HOÀI NIỆM



Kết quả hình ảnh cho divider gif

 

 

 




Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2024

THỀM XUÂN CÓ NGOẠI NGỒI CHỜ

  Hùng vỗ vai Phong trong bữa tiệc tất niên “mùng 1 đi phượt săn mây với tụi tao không, năm nào tết cũng chừng đó mà về làm gì, chán òm”.

  Phong lắc đầu, cười từ chối. Hễ năm mới là Hùng lại khoe những tấm hình du xuân bằng xe máy trên đỉnh đồi chùng chình mây hay một ghềnh đá nào đó xa tít.


Còn Phong, chỉ trông hết ngày làm cuối rồi vội vã khoác ba lô ra sân bay về quê. Sân bay cuối năm ùn ứ, lô nhô kẻ đứng người ngồi. Ai ai cũng dán mắt lên cái màn hình nhấp nháy thông báo chuyến bay.


Cận tết, ngày nào ngoại cũng gọi điện, hỏi Phong thèm dưa món, củ kiệu, thèm bánh in hay bánh nổ để ngoại làm. Năm ngoái đang trên máy bay thì ngoại gọi, khi máy bay đáp Phong thấy mấy chục cuộc gọi nhỡ.


     Ngoại cười móm mém, đâu biết trên trời không có sóng. Hồi nhỏ, ngoại hay ngồi ngoài hiên chỉ Phong học bài. Phong đọc bài mà ngó trời ngó đất, hễ thấy chiếc máy bay nào trên bầu trời là ba chân bốn cẳng chạy ra xem. Máy bay nhỏ xíu giữa mênh mông mây trắng, Phong phải khum bàn tay, nheo nheo đôi mắt mới thấy.


Rồi khi máy bay mất hút, Phong buồn buồn nói khi nào con được đi máy bay hả ngoại? Ngoại vuốt vuốt tóc Phong bảo, cứ học giỏi rồi sẽ đi cùng trời cuối đất. Bây giờ Phong như cơn gió, hàng tháng cứ phải bay đến tỉnh này tỉnh kia khảo sát công việc đến mệt nhoài.


Xếp hàng trước Phong khi làm thủ tục có người đàn bà lóng ngóng với chiếc ba lô xộc xệch trên vai. Chị nhấp nhổm không yên, chốc chốc lại mở ba lô lấy giấy tờ ra kiểm tra coi có đầy đủ chưa rồi lại nhét vào.


Chị quay lại hỏi Phong đủ điều, rồi lại đưa đôi bàn tay chai sần móc giấy tờ hỏi Phong chừng này là người ta cho mình lên máy bay phải không chú? Gương mặt chị sáng lên khi biết mình và Phong cùng chuyến. Đây là lần đầu tiên chị đi máy bay.


Chị nói tiếc tiền lắm chứ, gần chục triệu đồng cả về lẫn vô lại. Rồi chị tặc lưỡi, trên thành phố chị đang trông một cụ già, chủ nhà chỉ cho chị nghỉ có 6 ngày, ngồi xe đò ra vô mất hết hai ngày rồi nên chị đi máy bay cho nhanh để về với con.


Phong ngồi cạnh chị trên máy bay. Chị bám chặt tay Phong khi máy bay cất cánh, lả người nói tưởng đi máy bay không mệt, ai ngờ còn đuối hơn xe đò.


Khi Phong vỗ nhẹ vào vai bảo chị máy bay sắp đáp, mắt chị sáng rực lên: “Vậy hả em, cỡ một tiếng nữa chị gặp con rồi. Tội nghiệp, chừ chắc ngồi dưới ngõ đợi má rồi!”. Phong đứng nhìn theo bóng chị tất tả khoác ba lô trong đám người cuối năm vội vã trở về.


Ngoại chưa từng đi máy bay. Ngoại hỏi Phong cảm giác ngồi trên máy bay có giống ngồi xe đò không con, có bị xóc, có say sóng, ghế ngồi có êm không? Rồi khi bay qua những vùng mây trắng xóa thấy mây thế nào? Thật khó để diễn tả cho ngoại hiểu.


Cả cuộc đời ngoại chỉ có vài lần ngồi xe đò ra thị trấn, đường hồi đó đầy đá, chiếc xe đò cũ mèm chất đầy hàng nghiêng bên này ngả bên kia.


Ngoại nói ngày vắng Phong ngoại cũng hay ngó lên những chiếc máy bay bé xíu bay ngang vùng trời nhà mình, biết đâu trong những chuyến bay đó có Phong. Phong nói để khi nào con dắt ngoại đi máy bay một lần cho biết. Ngoại lắc đầu, giờ đi ra đầu làng đã muốn hụt hơi rồi còn đi đâu xa nữa.


Ngồi trên máy bay, Phong biết ngoại sẽ chống gậy đi xuống đi lên con dốc mấy chục bận để ngóng Phong. Rồi khi mỏi chân quá, ngoại sẽ ngồi ngay bậc cửa vừa bóp chân vừa ngó xuống ngõ.


Con ngõ cong cong, hai bên rập rờn vạn thọ. Ngoại ngồi ngóng mãi cho đến khi con chó Trập ngoáy tít đuôi chạy ra mừng, mắt ngoại hấp háy, giọng ngoại rưng rưng: “Cha bây, chừ mới về đó hả?’’. Từ hồi Phong bay chuyến đầu tiên xa nhà cho đến tận bây giờ, hơn mười năm trời, tết nào ngoại cũng ngồi hiên nhà ngóng Phong như thế.


Thỉnh thoảng má lại bàn với mấy cậu chuyện sửa nhà cho ngoại. Mỗi lần nghe sửa nhà là ngoại lắc đầu, không sửa sang chi hết. Ngoại già rồi, ở có bao nhiêu đâu, với lại căn nhà gỗ ni gắn bó với ngoại từ hồi mới về nhà chồng, rồi sinh con đẻ cái, rồi chứng kiến từng đứa cháu lớn lên. Chừ xây lại giống như ở nhà người khác, ngoại không quen.


Ngôi nhà gỗ nằm dưới mấy tán cau vẫn y nguyên những ngày Phong còn lẫm chẫm. Ngay cánh cửa gỗ còn hằn lại mấy dấu gạch ngang. Cứ mỗi bận tết, ngoại sẽ ngoắt Phong lại đo xem cao hơn năm ngoái chừng nào và để lại trên cửa một dấu gạch ngang. Dấu mới cao hơn dấu cũ, vừa đo ngoại vừa xuýt xoa cháu ngoại mau lớn quá chừng.


Bây giờ ngoại vẫn ngồi ngay bậc cửa lượm những hột lúa còn sót lại trong gạo trước khi nhen lửa nấu bữa cơm chiều. Lưng ngoại đã còng, tóc ngoại trắng như sương. Năm nay ngoại đã sang tuổi 92 rồi mà dáng ngồi vẫn y chang trong ký ức Phong. Hồi còn khỏe, giáp tết ngoại sẽ trải chiếu ngay hiên nhà ngồi gói bánh tét, bánh rò.


Phong ngồi bên bắt chước gói theo. Ngoại chỉ từng chút một mà chiếc bánh Phong gói vẫn lòi cả nếp, lỏng leo chứ chẳng thể tròn đều như bánh của ngoại.


Nay ngoại già chẳng gói bánh nữa nhưng cứ đến ngày là nhắc chừng má ra vườn giật lá chuối, ngâm nếp cho kỹ. Phong nghĩ ngoại thật lạ kỳ khi giữ nguyên một nếp sống qua mấy mươi năm, rồi giữ cho đời con đời cháu. Ngoại cười, có rứa thì tụi bây mới có cái để nhớ, để về.


    Sáng mùng Một, ngoại thảnh thơi ngồi nhai trầu ngó mông lung ra cội mai già. Năm nay nắng ấm, mai bung nở vàng ươm loang hương trong gió thơm lừng. Năm nào người ta cũng vào trả giá cội mai, năm sau cao hơn năm trước mà ngoại không bán. Ngoại nói trồng một cái cây mất cả đời người, sao đành bứng lên bán cho người khác.


Ngoại lần trong túi áo, lấy ra phong bao đỏ chót lì xì cho Phong. Ngoại xoa đầu Phong như ngày còn bé bỏng. Ngoại hỏi chừng nào bây đi. Phong nói mùng 5 phải bay sớm cho kịp công việc. Ngoại gật đầu, đi đi rồi mỗi tết quay về với ngoại, nghe chưa!



MẦM XANH

 Mỗi sáng, Linh bị đánh thức bởi thanh âm ồn ào từ quán cà phê dưới tầng trệt. Từ ban công căn hộ nhìn xuống, Linh thấy quán cà phê chỉ vỏn vẹn 3 bộ bàn. Loại bàn nhựa bé tí, thấp tè. Có lẽ họ phải lựa bộ bàn ghế có kích cỡ bé nhất, mới kê vừa khoảng vỉa hè họ tự ý lấn chiếm đó. 


     Vậy mà tiếng ồn vẫn loang ra cả xóm. Khách hàng ruột của quán là cánh đàn ông rảnh rỗi, độ chừng năm, bảy người, sáng nào cũng tụ tập nói chuyện thiên hạ. Ai bảo đàn ông kiệm lời, ít chuyện?

    Căn hộ Linh ở tầng hai, một bên là căn phòng cho thuê trọ. Hôm rồi mới có gia đình trẻ dọn đến ở. Có lẽ do trời nóng hay sao, hai đứa bé thay nhau khóc ngằn ngặt. Vợ chồng hàng xóm đối diện phòng Linh có 2 đứa con lớn hơn, nhưng mẹ của chúng không ngừng quát nạt mỗi lúc chuẩn bị đến trường, có như vậy chúng mới chịu rời chiếc điện thoại để đi học đúng giờ.


Buổi chiều, không gian sống của Linh còn bùng nổ hơn bởi được phụ họa bằng những ca từ não nề có, sôi động có, từ chiếc loa kẹo kéo. Bằng đó thanh âm lặp lại mỗi ngày, đến ngán ngẩm.


    Những lúc ấy Linh lại rủ chồng: “Hay là mình đi đâu ít ngày”. Hoàng, chồng Linh lúc nào chẳng chiều theo ý cô. Nhưng lần này anh mới chuyển sang chỗ làm mới. Công ty quy định trong thời gian thử việc không được nghỉ phép, trừ những việc cấp bách.

   Dù không nói ra, nhưng Hoàng hiểu sự không hài lòng của Linh khi sống ở nơi này. Anh luôn cho đó là lỗi của mình. Chẳng phải anh đã từng nói với Linh sẽ mang lại cho cô ấy cuộc sống tốt nhất? Tuổi trẻ luôn thừa sự tự tin, nên ngại ngần gì một lời hứa. Chỉ đến khi bị dòng đời quăng quật té sấp té ngửa, đồng tiền kiếm ra sao mà khó quá, Hoàng mới dần tỉnh ra, sống cho thực tế lên. Số tiền bao nhiêu năm đi làm dành dụm, gom cả quà mừng cưới của hai bên họ hàng, Hoàng và Linh mới mua được căn hộ cũ ở thành phố. Được cái, căn hộ nằm ngay trung tâm nên tiện cho công việc của cả hai.


Tối đó, Hoàng nói với Linh: “Đợi sau này cha mẹ chia đất, chúng mình sẽ có chỗ ở tốt hơn…”. Nhưng là bao giờ? Linh chưa bật ra câu hỏi đó, dù nó luôn ngự trị trong cô. Bố mẹ Hoàng ở quê, có mảnh đất rộng hứa sẽ chia cho 3 anh em, nhưng không phải là bây giờ. Ý nghĩ đó khiến Linh giận cả bố mẹ Hoàng, cứ khư khư giữ đất quê nhà làm gì, để con cái phải sống khổ sở nơi thành thị chật hẹp.

Linh chìm vào giấc ngủ khi vẽ ra trong đầu những chuyến du lịch đến vùng đất mới đầy ắp sự thú vị. Có như vậy, Linh mới quên đi thực tại chán ngắt ở nơi mình đang sống này.


  Buổi sáng, lúc Linh vừa mở cửa để ra ngoài thì bắt gặp một người đàn ông trong bộ pijama đứng ngay trước cánh cửa phòng mình. Cả Linh và ông cụ đều bị bất ngờ khi nhìn thấy nhau. Linh không kịp phản ứng gì. Còn ông cụ thì thong thả bước đi, hay tay đưa lên đưa xuống như đang tập thể dục.


Nơi chung cư, hành lang là lối đi chung nên Linh cũng chẳng có lý do gì để hỏi ông cụ tại sao đứng trước cửa nhà mình. Nhưng nỗi thắc mắc thì vẫn ở trong lòng Linh, rõ ràng ông cụ cố ý muốn nhìn vào bên trong, dù cửa căn hộ nhà Linh có đến 2 lớp, nhìn cũng chẳng thấy.


Linh kể cho chồng nghe, Hoàng nói chắc họ chỉ đi ngang, vô tình dừng lại ngay lúc Linh mở cửa. Hoàng đơn giản và ít hoài nghi hơn Linh. Linh thì vẽ ra đủ thứ chuyện trong đầu mình, rằng có khi kẻ gian lợi dụng ông lão để theo dõi nhằm mục đích xấu chăng? Linh nhớ lại vụ mất trộm trong tủ đồ ở trung tâm thể thao. Giữa nơi luôn có người ra vào, và còn thuê bảo vệ trông coi, mà kẻ trộm vẫn ngang nhiên mở tủ đồ lấy đi những thứ giá trị của khách. Người ta cho rằng do dùng ổ khóa số. Việc đứng sát nhau để khóa ngăn tủ đựng đồ chính là lỗ hổng khiến kẻ gian đột nhập vào lấy mã số dễ dàng. Nhà Linh cũng dùng ổ khóa số, có khi nào…


Hôm sau, người gặp ông cụ là Hoàng. Khác với Linh, Hoàng bắt chuyện tự nhiên: “Ông ở gần đây à?”. Người đàn ông cố hữu trong trang phục pijama nhìn hiền lành, da dẻ hồng hào, khuôn mặt đầy tròn phúc hậu và ánh mắt sáng lên khi nghe giọng Hoàng. Ông trả lời: “Không, tôi chỉ… đến chơi”. Hoàng hỏi tiếp: “Vậy là người thân của ông ở chung cư này ạ?”. Ông cụ tiếp tục lắc đầu. Đọc được dấu chấm hỏi trong mắt Hoàng, ông cởi mở chia sẻ: “Tôi là chủ cũ của căn hộ này, 60 năm rồi cơ đấy”.


Bây giờ thì cả Hoàng và Linh đều hiểu ra câu chuyện. Linh thở phào, vì không phải như những ý nghĩ khắc nghiệt trong cô. Cô nói với Hoàng hỏi xem ông cụ có muốn vào nhà chơi không? Hoàng cũng như chợt nhớ ra, vội mở cửa mời ông cụ vào nhà. Ông cụ có chút lưỡng lự sợ phiền, nhưng trong đáy mắt của ông chẳng thể giấu được nỗi khao khát muốn trở lại căn nhà cũ nhiều kỷ niệm mà mình từng gắn bó thêm một lần nữa.


  Đêm, Linh không ngủ được. Cô nhớ đến ánh mắt sáng lên của ông cụ, khi ông chạm tay vào từng mảng tường tưởng là vô tri, chẳng có ý nghĩa gì. Ông kể, đoạn tường này ngày xưa bà treo tấm bảng, đứng giảng bài cho học sinh mỗi ngày. Khi bà mất, mỗi lần nhìn lên bức tường có treo tấm bảng, ông lại thấy hình bóng bà. Bà hiền lành, chăm lo cho ông từng chút một. Không có bà, ông chẳng biết tự bắc nồi cơm cho mình ăn. Cả quần áo ông mặc, bà đem phơi mỗi ngày, xong gấp cẩn thận bỏ vào tủ. Mỗi buổi chiều lấy ra cho ông một bộ để sẵn trong nhà tắm. Vậy nên khi bà mất, ông còn chẳng biết quần áo của mình bấy lâu nay để ở đâu. Bà cũng biết ông sẽ khổ sở ra sao, vậy mà vẫn rời bỏ ông đi cho đành lòng.


Ông đi ra hướng ban công, nơi đó từng là “vườn cây” của bà. Ông đóng kệ cho cao lên ngang người, để những chậu cây đón được ánh nắng buổi sáng. Bà nhà ông thích trồng cây, bà muốn thấy cây trong mọi góc nhìn. Nhờ kệ ông đóng, những chậu cây của bà ngày càng xanh rờn, tốt tươi. Mỗi sáng, bà chọn một chậu đẹp nhất đem vào nhà. Đến chiều tối lại đưa ra cho cây phơi sương. Hôm sau trong nhà lại có chậu cây khác. Có bà, từng góc trong căn nhà bỗng trở nên sinh động, sức sống hẳn lên.


Ông nhìn lên phía mái tôn che máng xối từ tầng trên, hỏi Linh xem có thấy tổ chim ở nơi đó không? Linh nhìn theo hướng tay ông chỉ, một cành cây khẳng khiu hình như mọc từ dưới tầng trệt, nơi chạng ba, đúng là có mấy sợi lông chim. Ở phía dưới, cũng là đoạn có mái tôn từ tầng trệt che ra để chắn mưa nắng, ông hỏi Linh bầy mèo hoang còn về sinh sống không? Dạo đó, bà hay cho lũ mèo thức ăn thừa, chúng kéo nhau về nhiều lắm…


Ông chỉ tay ra phía góc ban công, bảo nơi này ngày xưa ông có kê bộ bàn trà để mỗi sáng ông với bà ra phơi nắng sớm, kể mãi không hết những câu chuyện ngày xưa cho nhau nghe, bởi có những chuyện bà kể đi kể lại, mà mỗi lần kể vẫn hào hứng như thể đó là lần đầu… Già rồi, ai chẳng lẩn thẩn vậy. Linh nhìn theo hướng ông chỉ, thấy chậu đất đã khô cằn, bên trong là gốc mai chiếu thủy đã chết khô từ bao giờ. Cô hình dung những chùm mai chiếu thủy như chùm đèn đong đưa tỏa hương thơm bên bàn trà của cặp vợ chồng già buổi sớm ban mai trong lành. Cô không nỡ hỏi ông xem quán cà phê bên dưới mở lâu chưa, có ồn ào như bây giờ không? Linh sợ những thắc mắc của mình như một nét vẽ bị lỗi làm hỏng đi bức tranh tươi sáng trong lòng ông cụ.


    Ông cụ nói về cái nơi Linh đang chán ngắt, mà nghe cứ như một thiên đường cổ tích từ thời xa xăm nào.


Buổi sáng thức giấc, việc đầu tiên Linh muốn ra thăm lại chậu mai chiếu thủy. Hôm qua, sau khi ông cụ về, Linh đã mang nước ra tưới cho cây. Tưới đến 3 ca nước đầy mới thấy dòng nước từ đáy chậu chảy ra.


Vừa lúc Hoàng bước ra ban công. Linh hỏi: “Anh xem, cây mai chiếu thủy này có sống lại được không?”. Hoàng đưa tay nhẩm tính, đã gần 6 tháng kể từ ngày Hoàng mua căn hộ và cùng Linh dọn về nơi này. Khoảng thời gian đó nắng nhiều hơn mưa. Anh đưa phần móng tay bấm vào đoạn gốc cây mai chiếu thủy, vẻ như vẫn còn nhựa sống.


Hoàng bảo: “Nếu chịu khó tưới nước, cây sẽ hồi sinh”. “Vậy em sẽ không đi du lịch nữa, chăm chỉ tưới nước đợi cây hồi sinh”. Hoàng cười: “Mình có thể mua chậu cây khác để ngắm nếu em thích”. Nhưng Linh bảo, cô ấy thích năng lượng từ chính chậu cây này, bởi ở đó có tâm thức thảnh thơi, bình yên của ông bà cụ.


Hôm sau, Hoàng trở về với một chậu cây cành lá xanh tươi, từng chiếc lá như hình trái tim, mỡ màng. “Cây hạnh phúc, ở cửa hàng họ nói vậy, nên anh mua để ở ban công”. Xong, anh tìm vị trí kê cây, kê luôn chiếc bàn đọc sách theo ý Linh.


Một buổi sáng, Linh reo lên thích thú khi chạm mắt phải chồi non bé xíu vừa nứt mầm từ thân cây mai chiếu thủy, ở gần đoạn hôm trước Hoàng cưa phần thân đã chết đi. Anh dặn Linh mỗi ngày khi rảnh ra xịt nước lên thân để dưỡng ẩm cho cây. Đến ngày thứ 20 thì điều kỳ diệu ấy xảy ra. Niềm hạnh phúc ùa về theo mầm xanh chỉ như một dấu chấm bé xíu mà Hoàng phải căng mắt mới nhìn ra. Linh còn hào hứng chụp hình lại mầm xanh kỳ diệu ấy, cẩn thận lưu vào máy.


Bữa sáng được Linh dọn ra chiếc bàn nơi ban công, cô thích góc ngồi này, vì nó mang đến sự bình an thực sự, hay chính ý nghĩ mình hướng về sẽ thành hiện thực?


Cô nhớ ra cũng lâu rồi, mình chẳng còn nghe thấy tiếng ồn nào ở nơi này. Nhưng trong bữa ăn, Linh vẫn rủ Hoàng: “Khi nào chúng mình cùng về quê thăm lại căn nhà cũ, anh nhé!”. Hoàng gật đầu. Cả hai vui vẻ nhắc lại thời kỳ “tuổi thơ dữ dội” của họ, khi còn là hàng xóm nơi miền quê hiền hòa.



Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2024

CÓ MỘT NGƯỜI MẸ MANG TÊN BÀ NGOẠI

 Mỗi lần nó đu đeo theo ngoại, ôm lấy cái lưng còng của ngoại, hôn hít lên má ngoại rồi cứ thủ thỉ "Mẹ ơi, mẹ à".


  Thịnh cầm cái xô nhỏ, chạy tút ra bờ mương. Bỏ lại phía sau tiếng réo gọi ới ời của bà ngoại. Nó kệ, vẫn cắm cúi chạy. Dường như đó là điệp khúc mà mỗi buổi trưa chủ nhật nó đều nghe thấy. 


  Lũ trẻ trong xóm cũng thế. Và bà ngoại, ngoài điệp khúc đó, còn mang theo một cây roi bằng tre dài, vừa chạy vừa chửi. Nhưng lũ trẻ nào có nghe. Dường như chúng để ngoài tai những lời của ngoại, chạy ra bờ mương bắt cua, bắt cá, cho thỏa đam mê sau một tuần bị kìm kẹp chân ở trường.

 Ngoại nay đã bảy mươi mấy rồi, chân tay yếu xìu. Không chạy lại với tụi nhỏ. Cũng chẳng la lối tụi nó được bao nhiêu. Chỉ cầm cây roi dọa dẫm cho có lệ. Rồi ngoại lại ngồi gốc tre, thở dốc. Bao nhiêu mệt mỏi dồn lên ngực. Tiếng ngực đập thình thịch, át cả tiếng chạy của lũ nhóc.


 Ngoại ngừng lại, lấy tay quệt mồ hôi đầm đìa trên trán. Lấy chiếc quạt mo, quạt cho đỡ nóng. Rồi cứ ngồi vậy để chờ cho mấy đứa "giặc" bắt cá xong, mới theo tụi nó đi về. Ít ra ngoại cũng ngồi ở đó để canh xem thằng Thịnh nó làm những gì. 


Mấy nay mắt ngoại kém, chỉ thấy cái bóng lờ mờ của nó nhảy nhót dưới bờ mương. Cái miệng tía lia của nó đang trêu đùa với đám trẻ trong xóm. La là la thế thôi, nhưng ngoại vẫn muốn cho nó được chơi thỏa thích với đám bạn cùng trang lứa. Mấy nữa ba mẹ nó về đón lên thành phố, ngoại lại bơ vơ một mình, biết khi nào mới được nghe tiếng cười, tiếng nói của nó.

   Hai tuổi, Thịnh được ba mẹ đưa về ở với bà ngoại, để ba mẹ đi làm ăn xa. Lúc về quê, nó gầy nhưng trắng như cục bột và rất kén ăn. Ngoại ra quầy tạp hóa mua cho nó thùng sữa, mấy thứ đồ ăn lặt vặt, bỉm tã, rồi những thứ quan trọng. Nó rời xa vòng tay ba mẹ, khóc như chưa từng được khóc. 


Cứ đợi tầm 2-3 giờ sáng, nó lại bò dậy, làm một "bài ca". Ngoại lọ mọ, pha cho nó bình sữa, dỗ cho nó ngủ lại. Mất một tháng như thế, ngoại vừa canh nó vừa chăm bẵm cả ngày, người gầy rộc đi như một con khô. 


Nhưng nghĩ thương cháu, cha mẹ nào cũng chẳng nỡ rời xa con khi nó đang bập bẹ, tuổi ăn, tuổi lớn, líu lo. Nhưng công việc, cơm áo gạo tiền, không đi không được. Một mình ngoại cáng đáng việc nhà, lo cho cháu. Đến khi nào nó lớn, ngoại trả nó lại cho ba mẹ nó.


Từ khi nó về, ngoại phải sắm thêm một chiếc điện thoại thông minh, để tối nào ba mẹ nó cũng điện thoại về. Lắp thêm đường dây wifi để có kết nối mạng, tự nhiên ngoại tốn thêm một mớ. Ở nhà chả làm ra tiền nhiều, còn thêm tiền nuôi cháu, ngoại gánh hết. Lúc nó về, ba mẹ nó dúi vào tay ngoại mấy triệu bạc, bảo lo cho nó tới hết cuối tháng, bao giờ có lương thì lại gửi tiếp.


 Ngoại thương lũ con, đứa đi làm công nhân, đứa đi phụ hồ, tiền đâu cho nhiều mà đưa. Đợi lúc chúng nó gói ghém quần áo xong, đang chia tay chia chân ngoài sân thì ngoại lẻn bỏ cục tiền vào ba lô, đặng lên thành phố, chúng có cái mà ăn uống. Thằng Thịnh ở với ngoại, dù có tốn kém, lo thứ này thứ kia nhưng ở nông thôn, ngoại cũng xoay xở được cho nó đủ đầy.


Hồi về là lúc Thịnh bập bẹ biết nói. Không biết ai bày hay ở với ba mẹ nó quen, mà nó cứ gọi ngoại là mẹ. Mấy cô, mấy thím trong xóm bảo nó gọi ngoại thôi, nó không chịu. Mỗi lần nó đu đeo theo ngoại, ôm lấy cái lưng còng của ngoại, hôn hít lên má ngoại rồi cứ thủ thỉ "Mẹ ơi, mẹ à". 


Ngoại nghe trong lòng thấy vui, nhưng cũng xa xót. Như tuổi nó, mấy đứa nhà có điều kiện, chúng đều được ở với ba mẹ, sáng đưa đi học, chiều đón về. Buổi tối được quây quần bên mâm cơm gia đình, đủ đầy và ấm cúng. Còn với Thịnh, nó với ngoại lầm lũi trong căn nhà ngói ba gian cũ kỹ. 


Ở quê thường hay bị cúp điện, nên cứ mỗi chiều, lúc còn chạng vạng, là ngoại đã lo nấu đồ ăn cho nó, đút cho nó lúc còn sáng sủa. Tới lúc nó lớn hơn một chút, ngoại để nó tự xúc, tự ăn. Hai bà cháu đều canh lúc trời sáng để ăn cơm. 


Tới tối, nhỡ cúp điện, lũ muỗi ngoài đồng sẽ bay vù vù vào nhà, cắn hai bà cháu đến nát tay. Giờ xâm xẩm, hai bà cháu chui vô mùng, ngồi trong đó chơi. Ngoại sẽ kể cho Thịnh nghe về những câu chuyện cổ tích, về những ngày người dân ở đây vào chốn này mưu sinh, thành dân, lập ấp. Hay kể về những quãng đường gian nan mà ngoại đã từng trải qua, để cho nó hiểu, suốt tuổi thanh xuân, ngoại đã khổ cực, vất vả như thế nào.


    Câu chuyện thường đứt đoạn nửa chừng, vì thằng Thịnh đã ngáy o o, ngoại nhẹ nhàng gỡ tay ra, đặt nó xuống gối. Thằng bé nằm ngủ ngon lành. Ngoại rón rén ra sau nhà rửa chén, thu dọn lại đồ đạc trong nhà. 


Buổi sáng bày ra đan giỏ, giờ đó còn ngổn ngang bao việc. Nhờ mối đan quen thuộc, tay ngoại lại khéo, nên tháng nào cũng có thu nhập, để ngoại đủ tiền mua sữa cho Thịnh. Ba mẹ nó ở thành phố, có khi gửi được nhưng có khi cũng không, công việc bấp bênh. 


Nghe nói về đón Thịnh lên đoàn tụ mà rồi cứ xa lắc xa lơ. Nhưng thôi kệ, ở với nhau rồi, bà cháu quen hơi, ngoại cũng không muốn Thịnh rời đi nữa. Nghĩ đến cảnh một ngày nào đó, nó rời xa mình, tự nhiên ngoại rớt nước mắt.

- Á, đau quá, cua kẹp rồi tụi bây ơi!

Ngoại nghe tiếng thằng cháu la oai oái. Bỏ dở dòng suy nghĩ, ngoại chạy vội vàng ra phía bờ mương. Thằng Thịnh đang lắc tay lia lịa, con cua gan lì, kẹp lấy cái ngón tay của nó. Thấy chừng nó sắp khóc. Ngoại kêu:


- Con ngồi xuống, thả tay lại xuống nước đi, lắc lắc nhẹ là nó tự bỏ ra à.


Thằng nhỏ mếu máo làm theo. Một chốc đưa cái tay lên, nó thấy ngón cái tứa máu. Ngoại vội vàng chạy đến, ngắt một nắm lá cỏ hôi, bỏ vào miệng nhai, rồi nhả ra, đắp ngay vết thương cho Thịnh. Vừa đắp, ngoại vừa xuýt xoa, mắng se sẽ:


- Thấy chưa, ngoại đã nói rồi. Ban trưa không ngủ, chạy đi mà bắt cua, bắt cá. Được nhiêu con mà cái tay bấy nhầy vậy nè. Rồi ngày mai đi học cầm viết kiểu gì. Không chừng bảo cua cắp, cô giáo còn la cho nữa.


Thịnh gạt nước mắt, mếu máo:


- Ngoại đừng có la con nữa mà. Mai đi học, ngoại lấy băng keo, dán lại cho con, chắc cô giáo không thấy đâu.


Nhìn đứa cháu tội nghiệp đang khóc vì đau, ngoại cũng xót trong lòng. Hai bà cháu dắt díu nhau lên bờ. Lũ trẻ trong xóm thấy Thịnh bị cua cắp nên cũng sợ, chúng gom mấy chiến lợi phẩm vào cái xô nhỏ, vội vàng rửa ráy chân tay chạy về. Chỉ đợi một chốc nữa thôi, trong nhà biết chuyện, kiểu gì chả có đứa đỏ mông.

 - Ở thành phố dạo này khó làm ăn lắm má ơi, hay tụi con về quê, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Chống chọi miết trên này, cực lắm má - Tiếng mẹ Thịnh rầu rĩ trong điện thoại.


Bà ngoại nghe xong chẳng thấy buồn, chỉ thấy ngoại cười tủm tỉm:


- Ờ về đi, còn mấy sào đất ba tụi bây để lại, về cày ra trồng cây ăn trái hay trồng rau củ. Mang đi nhập cho mối, còn kiếm được ối tiền. Trụ lại trên đó làm gì, lay lắt khổ cực. Biết vậy sao không xác định về sớm đi, bây giờ thằng Thịnh đã 7 tuổi rồi. Nó lớn phổng phao, cũng cần cha, cần mẹ chứ.


Thịnh đứng ở mé cửa, ngấp nghé. Nghe xong câu chuyện, nó nhảy chân sáo tưng tưng. Lại chạy tót sang bên nhà hàng xóm, khoe với mấy đứa bạn. Chắc mấy hôm nữa thôi, ba mẹ nó thu dọn về quê ở với nó. Vậy là nó chẳng phải rời xa bà ngoại nữa. Lại được gần với ba mẹ. Quá là thích thú.


Ngoại thấy bước chân nó lí lắc. Cái mông ưỡn a, ưỡn ẹo. Hình như nó đang vui lắm…



BẠN BÈ

 Thật ra cũng có nhiều nơi cần người nhưng chỗ thì người ta cần bằng đại học, chỗ thì yêu cầu tuổi không quá ba mươi. Hạnh đành làm việc chân tay là ban ngày đi giúp việc cho người ta, tối thì đến dọn dẹp ở những quán ăn quán nhậu.

Tôi không nghĩ Khải, cậu bạn học hồi cấp ba lại đến tìm mình, một ông chủ như lời cậu ta đùa từ khi tôi quyết định chấm dứt đời đi làm nhận lương, chọn công việc trả lương cho người khác.


Không rào đón, Khải nói Hạnh cần một công việc, mà có lẽ chỉ tôi giúp được. Hạnh là cô bạn học cùng lớp. Từ khi còn đi học, chúng tôi luôn nghĩ về Hạnh như một bà quản gia cần mẫn. Tổ trực nhật chưa làm xong, Hạnh xông vào làm giúp. Lớp ở tận tầng 3 nên mỗi lần đi giặt giẻ lau bảng, đứa nào cũng cành nạnh nhau, Hạnh mang giẻ về nhà giặt, hôm sau mang lên. Hạnh còn xin được một bình nước uống để ở cuối lớp để mọi người khỏi phải chạy xa. Hồi ấy không thể bứng nhà vệ sinh lên tầng, nếu không thì Hạnh cũng làm.


Học cùng nhau nhưng Hạnh như chị cả. Nghe nói, mẹ Hạnh mất sớm nên Hạnh phải thay mẹ chăm sóc ba đứa em. Ra trường khi chúng tôi đứa vào đại học, đứa du học thì Hạnh học trung cấp với ý định nhanh có việc làm. Khi con trai lớn lên bảy tuổi, con gái nhỏ lên bốn thì vợ chồng Hạnh chia tay. Chồng cũ biết Hạnh muốn nuôi cả hai con cho có anh có em nên đã ra điều kiện khi phân chia tài sản, anh ta nhanh chóng có người khác nên cũng lơ luôn trách nhiệm chu cấp, Hạnh một mình nuôi dạy hai con. Nay con trai lớn của Hạnh vào đại học, cậu ta vừa học vừa đi làm thêm để bớt gánh nặng cho mẹ. Cuộc sống của Hạnh cứ bình bình đạm đạm vậy mà trôi qua nhưng mấy tháng trước, công ty Hạnh làm bị đóng cửa. Hạnh thành thất nghiệp.


Thật ra cũng có nhiều nơi cần người nhưng chỗ thì người ta cần bằng đại học, chỗ thì yêu cầu tuổi không quá ba mươi. Hạnh đành làm việc chân tay là ban ngày đi giúp việc cho người ta, tối thì đến dọn dẹp ở những quán ăn quán nhậu.


Là Khải vô tình nhìn thấy, cậu ta hỏi thăm mới biết hoàn cảnh của Hạnh. "Tôi cũng hỏi quanh mấy nơi mình quen biết nhưng người ta đòi tiếng Anh với bằng cấp. Tôi đảm bảo với ông, Hạnh thiếu những thứ đó nhưng nếu được hướng dẫn bả sẽ làm được", Khải nói.



     Tôi không nghĩ cô bạn học của mình lại có hoàn cảnh vậy. Mỗi năm chúng tôi đều tổ chức họp lớp một lần, bạn bè người nói mới xây nhà, người mới đổi xe, tôi nghĩ chúng tôi đều đã ở tuổi thành đạt sau một thời gian dài cố gắng. Những buổi họp lớp, Hạnh đều tham gia. Bạn bè nói hai đứa con Hạnh học rất giỏi, trong danh sách tặng quà năm nào cũng có tên. Hầu như không ai biết Hạnh có cuộc hôn nhân không hạnh phúc, ngay đến khi ly hôn cũng chịu thiệt, lớp tôi có bạn là luật sư, nếu khi ấy Hạnh nói thì bạn đó có thể giúp Hạnh đòi thêm quyền lợi cho ba mẹ con. Nhưng bản tính hiền lành lại giỏi chịu đựng nên Hạnh cứ chịu một mình, ba đứa em Hạnh điều kiện cũng không khá nên không giúp được nhiều cho chị.

Tôi còn đang tính sẽ thu xếp việc gì cho Hạnh thì Khải đùa: 

- Ông muốn hay không muốn cũng phải làm đấy, ngày xưa ông cũng thích Hạnh còn gì!


Tôi nhe răng cười, vừa kịp nhìn thấy vợ tôi từ trên lầu bước xuống, hình như vợ cũng nghe thấy câu nói của Khải nên vợ cứ cười cười làm tôi nhột nhạt. Có bà vợ nào lại không ghen khi biết trong quá khứ chồng mình đã từng có cảm tình hay thích ai đó, nhất là những mối tình thời học trò, dù ngắn nhưng luôn là mối tình khắc sâu. Chưa kể có bà còn nghĩ mình là sự lấp chỗ trống, là sự lựa chọn thứ mấy chứ không phải duy nhất.


Vợ chồng tôi cũng là bạn thời đại học, chúng tôi từng chung vai đi qua những khó khăn. Lúc tôi quyết định ra ngoài làm, suốt mấy năm đầu, mọi việc trong nhà ngoài ngõ lo lắng họ hàng hai bên đều do vợ gánh vác vì khi ấy tôi còn đang mò mẫm dò đường. Nhờ vợ mà tôi có ngày hôm nay, tôi dù quý Hạnh hay ngày trước từng thích Hạnh thì tôi cũng không bao giờ đánh đổi gia đình mình. Và Hạnh, với tính nết của mình, đời nào Hạnh đồng ý nếu tôi có ý định điên khùng.

Vợ cười cười.

- Ngày xưa cũng thích cơ!

Tôi thẳng thắn:

- Ngày đó Hạnh hiền và chu đáo lắm, Hạnh làm chị của ba đứa em và làm chị của cả lớp bốn mấy đứa cả trai lẫn gái. Không riêng anh mà con trai cả lớp đều thích Hạnh.

Vợ giơ tay ra làm động tác xòe bàn tay và siết chặt.

- Giờ thử thích xem!

    Tôi hứa với Khải sẽ thu xếp việc cho Hạnh nhưng thật sự công ty tôi không có chỗ nào có thể thêm người. Tôi đành hỏi bạn bè làm ăn, đối tác và thật may là có một công việc cần người nhưng điều kiện hơi cao so với Hạnh. Tôi nói chỉ cần cho Hạnh công việc, phần lương đó tôi sẽ trả.

Đạt cười:

- Tôi cũng đâu nghèo số tiền đó và càng không muốn nghèo trước ông. Yên tâm, tôi sẽ chú ý giúp đỡ bạn ông.

Đạt còn đùa:

- Có thật là bên ông không còn chỗ, hay ông sợ vợ nên đành đưa sang tôi?

    Tôi cười, quả thật tôi cũng có ý đó, tôi luôn tin tưởng vợ nhưng làm sao dám chắc vợ không nghĩ ngợi, suy diễn. Các bà vợ luôn là "cảnh sát kiêm thám tử" kiêm nhà nghi ngờ học và nhà đề phòng học với phương châm "thừa còn hơn thiếu", "phòng hơn chống". Nếu tránh được thì nên tránh ngay từ đầu kẻo muốn giúp bạn lại thành hại bạn. Là mẹ đơn thân, Hạnh dễ bị miệng đời, mà người như Hạnh hoàn toàn không nên chịu những oan ức đó. Trước khi Khải về, cậu ta vẫn không quên gọi tôi là nhà tư bản và dặn phải khéo léo.


Thi thoảng tôi có hỏi Đạt về Hạnh, anh nói anh vừa ý với chị nhân viên này lắm, Hạnh cẩn thận, chu đáo và không nề hà bất cứ việc gì dù là dọn vệ sinh, đổ rác hay phải tăng ca đột xuất. Đạt còn nói từ giờ khi tuyển người, cậu ta sẽ tuyển người có tuổi, có kinh nghiệm hơn là bằng cấp. Nghe vậy, tôi cũng mừng cho Hạnh.


Buổi tối, tôi phát hiện mình để quên hồ sơ cần xử lý ở văn phòng, tôi rủ vợ đi lấy, tiện thể hai vợ chồng đi hóng gió. Vợ tôi có vẻ ngần ngừ nói một mình vợ đi là được. Chiều nay tôi có uống mấy ly nên hơi bức bối, muốn ra ngoài hít thở và thay vì đi xe hơi, chúng tôi quyết định đi bằng xe đạp điện của con gái.


Trên đường đi, vợ ngồi sau không ngừng cười khúc khích, luôn miệng nhắc tôi chạy từ từ. Phải hơn chục năm rồi chúng tôi không đi cùng nhau kiểu này, hai vợ chồng luôn người nào việc nấy, mãi tối mới gặp nhau, có ngày còn không ăn cùng nhau bữa cơm. Những ngày đầu khó khăn, vợ chồng cứ động viên nhau ráng đi, mai mốt khá hơn sẽ khác, mình cần cù, chịu khó, trời sẽ không để đói khổ mãi. Nhưng đi hoài, cuộc sống có khá hơn rồi nhưng lại muốn hơn nữa, rằng cố rồi nay cố thêm chút nữa, mình sao cũng được nhưng còn cha mẹ ngày một già yếu, còn con cái mai này. Lại động viên nhau, so với những gia đình kẻ Bắc người Nam thì nhà mình còn chung một mái nhà đã hơn người rồi…


Đi một đoạn, vợ còn đòi chở, vợ nhắc những ngày chúng tôi mới lấy nhau, những khi tôi say, vợ cũng đi đón tôi bằng cái xe máy cà tàng.


Tầng một công ty còn ánh đèn, tôi cau mày nói ai về sau mà không chịu kiểm tra cúp cầu dao, lỡ đêm hôm xảy ra chập cháy gì thì sao. Vợ cười nói không sao, phòng đó có bảo vệ ở. Tôi ngạc nhiên, công ty tôi có bảo vệ từ khi nào, vợ nói thời gian trước ở con đường này xảy ra trộm, trộm vào khuân mấy bộ máy tính, gây thiệt hại không ít nên vợ quyết định thuê bảo vệ trực đêm. Công ty tôi ngoài có cổng cao, trong có cửa sắt, cửa cuốn nhưng có người ở đó, có ánh đèn vẫn yên tâm hơn.


Bảo vệ là một anh chàng còn khá trẻ, chính xác là một cậu nhóc dong dỏng cao, cậu ta gọi chúng tôi là cô chú. Tôi lên lầu lấy giấy tờ, vợ ở dưới nói chuyện với cậu ta, tôi nghe cậu ta một dạ hai thưa, nói năng rất lễ phép. Tôi vui miệng hỏi ban ngày cậu ta làm gì thì biết cậu còn là sinh viên, tối đến đây trực vẫn có thể học bài được.


Trên đường về, tôi nói, tôi mong hai đứa con mình cũng chăm chỉ chịu khó như cậu trai kia, chỉ trực đêm vậy hẳn lương cũng không cao nhưng cậu ta vẫn rất vui vẻ vì có thêm khoản thu nhập và không ảnh hưởng việc học. Vợ cho xe chạy chậm lại, hơi ngoái nhìn tôi:


- Cậu ấy là người quen của anh đấy.


Tôi còn đùa:


- Đừng nói cậu ta là con riêng của anh nhé?


- Mẹ cậu ấy là chị Hạnh, bạn anh.


Tôi im lặng. Vợ nói, vợ đã nghe câu chuyện của Khải, cũng biết tôi nhờ Đạt tìm việc cho Hạnh, vợ nghĩ tôi sợ vợ nghĩ ngợi nên mới không dám nhận Hạnh nên vợ đã làm như vô tình gặp con trai Hạnh trong quán ăn. Tôi không biết phải nói gì với vợ, tôi từng lo lắng lòng dạ phụ nữ hẹp hòi nhưng cũng không biết họ có thể làm những chuyện cánh đàn ông chúng tôi không ngờ tới, tuỳ thuộc vào thái độ và tình cảm của chúng tôi, những ông chồng, dành cho họ.


Tôi gọi cho Khải, định nói cậu ta yên tâm vì tôi đã làm tròn trách nhiệm cậu ta giao phó, nghe cậu ta cười sang sảng:


- Bà xã ông có gọi cho tôi rồi, hôm ấy nghe bả tự giới thiệu mà tôi toát mồ hôi lạnh tưởng bị hỏi tội. Bả hỏi chỗ làm của thằng lớn nhà Hạnh. Nói thật, tụi tôi cảm ơn vợ chồng ông lắm lắm. Khi nào rảnh, tôi xin phép được mời nhà tư bản ông một chầu nhé!


Tất nhiên là tôi đồng ý. Bạn bè với nhau cả mà.



GIẤC MƠ THỊ THÀNH

 Ước mơ của cô như đốm lửa sắp tàn bất ngờ bùng cháy lại. Trên đầu cô, những con đom đóm vẫn nhấp nháy như ánh cười của bố với cô. Thị thành vẫn đầy đom đóm.


     Ngoài người, xe cộ, những ngôi nhà cao tầng thì ánh sáng là thứ thành phố nhiều vô kể. Đêm cũng như ngày, thị thành lúc nào cũng nhộn nhịp và rực sáng, lúc mới đặt chân đến đất này, khi lang thang dưới những ngọn đèn đường, Trân mới hiểu tại sao người ta gọi đây là "thành phố chẳng bao giờ ngủ". 

Thành phố có thực sự thức cả đêm theo những ánh đèn xanh đỏ hay không, thực tình Trân cũng chẳng quan tâm quá nhiều, thứ mà nó đau đáu nhất là những con đom đóm. Phố lúc nào cũng sáng đèn, chẳng biết tìm đâu loài đom đóm thân thuộc nơi quê nhà.


Thành phố đón Trân bằng một cơn mưa tầm tã. Từ bến xe về phòng trọ của chị Nhàn trên chiếc xe máy cà tàng, hai chị em như bơi giữa biển nước, cả người ướt rượt từ chân đến đầu. Trân ngơ ngác, phố thị mà cũng bị lụt lội hệt như cái năm ở quê Trân sông vỡ đê, nước tràn vào làng. 


Chị Nhàn cười, "rồi em sẽ sớm quen thôi". Chị Nhàn là chị họ, hơn Trân 7 tuổi. Sau khi học hết lớp 9, chị một thân một mình lên thành phố đi xin việc. Nhờ vậy mà đến lượt mình, Trân được chỉ cho từng bước để tồn tại ở thị thành này chứ không phải lần mò thân cô thế cô như chị ngày trước. 


Trân chẳng biết cái sớm của chị Nhàn nói là bao lâu khi mà đã gần 2 tháng ở thành phố, Trân vẫn thấy xa lạ, lạc lõng và nhớ nhà đến da diết. Trân nhớ mẹ, nhớ thằng Tí và cả những con đom đóm ở quê.


Ngày Trân bắt xe lên thành phố, thằng Tí ôm chân, khóc ngằn ngặt đòi chị ở lại, làm Trân không kìm được nước mắt mà khóc theo. Mẹ đứng nhìn hai chị em ôm nhau khóc mắt cũng đỏ hoe, đến tận khi Trân lên xe, ngoái lại vẫn thấy thằng Tí rấm rứt. 


    Trân thương mẹ phải làm quần quật để lo miếng cơm cho cả nhà, mẹ làm nhiều đến mức mới ngoài bốn mươi tuổi mà đã trông khắc khổ như người sáu mươi, bảy mươi tuổi, lưng mẹ còng xuống, da nhăn nheo và in hằn những nhọc nhằn nắng mưa. 


Sức khỏe của mẹ càng ngày càng yếu theo từng mùa lúa trổ bông, mùa ngô tra hạt, mùa rau thu hoạch. Vì vậy, khi nhận giấy báo trúng tuyển đại học, Trân đã giấu nhẹm mà không nói cho mẹ hay.


Tờ giấy nhập học Trân cất sâu dưới đáy ba lô mang lên thành phố, những khi ở nhà một mình, không phải đi làm cô lại lôi ra xem. Trân thuộc làu đến từng dấu chấm, dấu phẩy, từng đoạn xuống dòng, từng nét in hoa, in đậm trong đó nhưng cô vẫn lôi ra đọc. Lần nào cũng vậy, đọc xong là Trân khóc, ước mơ của cô, ước mơ của bố gần thật gần nhưng chẳng thể nào Trân với tới.

   Ngay từ bé, Trân đã mong được trở thành cô giáo. Lũ trẻ trong xóm có bài khó không giải được đều chạy qua nhà chị Trân nhờ giảng bài. Mỗi lần chải mái tóc đen dài của Trân, bố luôn bảo, tóc Trân rất hợp với mặc áo dài, bố chờ đến ngày được thấy con gái trên bục giảng dạy lũ học trò ê a tập đọc. 


Nhưng bố chẳng kịp chờ đến ngày đó thì trận lũ lịch sử tràn vào làng đã cướp mất bố khỏi mẹ con Trân, năm ấy Trân 10 tuổi, còn thằng cu Tí mới chỉ đang nằm nôi được vài tháng.


Bữa đó mưa tầm tã, nước trong ao dâng lên mỗi lúc một cao, đàn cá chỉ mấy hôm nữa là có thể bán đang lăm lăm theo dòng nước lớn bơi đi mất. Số cá đó là toàn bộ những gì nhà Trân có nên bố mẹ như ngồi trên đống lửa, cầu trời tạnh mưa. Nhưng mưa mỗi lúc một to hơn.


 Chẳng thể ngồi yên chờ cá đi mất, bố xách lưới đi quây ao, bất chấp sự can ngăn của mẹ, hòng vớt vát được chút rau cháo nào hay chút đó. Khi lưới mới chỉ kịp giăng nửa ao thì nước lũ bất ngờ ào về. 


Lũ cướp sạch số cá và cả bố Trân theo dòng nước đi mãi, chẳng bao giờ về lại. Từ đó, mẹ thay bố làm cha, gồng gánh nuôi hai chị em Trân. Cũng từ đó, Trân thay mẹ chăm em Tí và lo toan cơm nước ở nhà.


Có lẽ biết thân phận mình sinh ra trong nghèo khó, thiếu vắng bố nên ngay từ khi còn bé, cu Tí đã rất ngoan, chẳng bao giờ quấy khóc hay đòi hỏi mẹ, chị phải mua thứ này, thứ kia như những đứa trẻ khác. 


Bảy sào ba thước ruộng chẳng đủ để lo cho cả nhà nên mẹ Trân phải nhận làm thêm làm mướn. Một ngày của mẹ bắt đầu từ khi mặt trời vẫn còn say giấc ngủ, đất ướt đẫm sương đêm và kết thúc khi trời đã đen kịt. 


Buổi sáng trước khi đi học, Trân sẽ mang em Tí sang nhà bà ngoại để nhờ bà trông em hộ, còn buổi chiều không phải đến trường, hai chị em quanh quẩn ở nhà trông nhau. Chiều mát, Trân thường dẫn cu Tí ra đồng để em chơi với đám cỏ gà trên bờ, còn Trân đi bòn chút rau má, rau bợ hay bắt con cua, con ốc về ăn cải thiện.


Nhà Trân ở cuối làng, ngay cạnh cánh đồng, đêm đom đóm lập lòe từng đàn bay quanh. Lần đầu tiên nhìn thấy chúng, em Tí đã khóc toáng lên vì sợ. Trân trấn an đủ kiểu mà thằng bé vẫn rúm ró như thể ai đánh đuổi. 


Mãi đến khi Trân bảo đom đóm chính là vật dẫn đường để bố về thăm chị em mình, Tí mới thôi sợ hãi. Thằng bé sinh được mấy tháng thì bố mất nên ký ức về bố của nó chẳng có gì ngoài bức ảnh trên ban thờ và những câu chuyện kể vụn vặt của chị. 


Mỗi khi nghe nhắc về bố, mắt nó lại long lanh, chăm chú lắng nghe. Từ sợ hãi, Tí yêu thích đom đóm lúc nào chẳng hay. Trân còn kể cho Tí nghe câu chuyện ngày xưa có một cậu bé nhà nghèo bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng gà để học bài, sau này thi cử đỗ đạt và làm quan to. 


Tí nghe vậy cũng nằng nặc đòi Trân bắt cho kỳ được đom đóm cho vào vỏ trứng bắt chước học bài, nhưng nó chỉ háo hức một chút rồi thôi ngay khi những con đom đóm cứ yếu dần yếu dần, thậm chí có con bị chết. Nó thả những con đom đóm về lại đồng ruộng, nói "em không muốn linh hồn của bố đi mất"…


    

Đêm trước ngày lên thành phố, chị em Trân đã ngồi lâu thật lâu bên bờ ruộng, nhìn những con đom đóm bay lẫn trong bóng tối. Hai chị em ngồi bên nhau, có nhiều điều muốn nói nhưng rồi chẳng ai mở lời để mặc cho tiếng côn trùng rỉ rả kêu và gió lồng lộng thổi… 


    Bất ngờ cu Tí níu tay chị: "Chị lên thành phố, bố có biết đường tìm đến với chị để bảo vệ và chở che không?". Trân cười, ở đâu chẳng có đom đóm, bố lúc nào cũng ở bên chị em mình hết. Lúc trả lời Tí vậy, Trân đâu biết ở thị thành đèn sáng choang, đất đai thì bê tông hóa, lấy chỗ nào cho đom đóm sinh sống mà tìm.


  Trân đã quen dần với công việc và nhịp sống hối hả của người thành phố. Chị Nhàn xin cho cô làm công nhân trong một xưởng may gần nhà. Ai cũng bảo làm công nhân may vất vả nhưng Trân thấy công việc nhàn tênh so với những gì mẹ phải làm dưới quê mà tháng lương gấp nhiều lần của mẹ. Dù Trân đã cố giấu, nhưng chị Nhàn vẫn tinh ý nhận ra trong ánh mắt Trân ẩn ức điều gì đó rất buồn...


Đêm hôm đó, sau khi ăn cơm xong, chị Nhàn bảo Trân ra ngoài với chị có chút việc. Trên chiếc xe máy cà tàng, chị Nhàn chở Trân qua những con phố sáng đèn, những cửa hiệu sang trọng bên trong những tòa nhà cao chót vót. 


Đang miên man suy nghĩ thì xe đã dừng trước cổng một công viên rộng lớn giữa lòng thành phố. Chị Nhàn kéo Trân vào bên trong. Trân còn ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì thì thấy những con đom đóm bay đẹp tựa nơi quê nhà của cô.


Chị Nhàn bảo, "thành phố sáng đèn quá nên lũ đom đóm nép mình nơi những góc tối của công viên. Đất này xô bồ, vội vã vậy thôi chứ ai rồi cũng có một chỗ đứng cho mình, em hãy tiếp tục việc học hành, chị tưởng em không đậu đại học nên mới giới thiệu làm công nhân chứ nếu biết em trúng tuyển thì thiếu gì công việc khác cho em. 


Gia sư, bưng bê chẳng hạn, tuy thu nhập không cao nhưng cũng phụ giúp em cáng đáng phần nào, có gì chị giúp thêm. Thị thành ráo hoảnh vậy thôi chứ cũng nhiều người tốt lắm, ngày chị lên đây được giúp đỡ nhiều, không lý gì chị lại không giúp được em".


Trân nghe chị Nhàn nói mà rơi nước mắt. Ước mơ của cô như đốm lửa sắp tàn bất ngờ bùng cháy lại. Trên đầu cô, những con đom đóm vẫn nhấp nháy như ánh cười của bố với cô. Thị thành vẫn đầy đom đóm.




NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ CUỘC SỐNG

 1. Câu chuyện quả táo

Một em bé đáng yêu đang cầm hai quả táo trong tay. Mẹ em bước vào phòng và mỉm cười hỏi cô con gái nhỏ: “Con yêu, con có thể cho mẹ một quả táo được không?”

  Em bé ngước nhìn mẹ trong một vài giây, rồi sau đó lại nhìn xuống từng quả táo trên hai tay mình. Bất chợt, em cắn một miếng trên quả táo ở tay phải, rồi lại cắn thêm một miếng trên quả táo bên tay trái.

    Nụ cười trên gương mặt bà mẹ bỗng trở nên gượng gạo. Bà cố gắng không để lộ nỗi thất vọng của mình.

    Sau đó, cô gái nhỏ giơ lên một trong hai quả táo vừa bị cắn lúc nãy và rạng rỡ nói: “Quả táo này dành cho mẹ nhé, nó ngọt hơn đấy ạ!”.


2. Con cáo và chùm nho

Một buổi chiều nọ, có một chú cáo đang dạo bước trong rừng và chú phát hiện ra một chùm nho treo lơ lửng trên cành cây cao. Cáo thèm tới mức nước bọt cứ trào ra hai bên mép.

"Thứ này sẽ làm dịu cơn khát của mình đây", chú nghĩ.

   Lùi lại vài bước, chú cáo phóng người lên nhưng không hái được chùm nho nào mà chỉ tới lá nho mà thôi. Một lần nữa, chú cáo lại lùi lại vài bước và cố gắng để hái được chùm nho nhưng vẫn thất bại. Cáo ta tìm đủ mọi cách nhưng vẫn không thể với tới được chùm nho.

    Cuối cùng, bỏ cuộc, chú cáo hếch mũi lên và nói: "Dù gì thì cũng chỉ là những trái nho chua mà thôi", rồi cứ thế bỏ đi.

Ý nghĩa câu chuyện:

   Thật dễ dàng để coi thường những gì bạn không thể có được. Một số người khi không có được thứ gì đó liền nói thứ đó không ra gì cả. Thực tế thì chỉ là vì khả năng của mình có giới hạn không thể có được nhưng đành lấy cớ, tự dối lòng mình để tự biện minh.


3. Giá trị của hòn đá

Có một học trò hỏi thầy mình rằng:

Thưa thầy, giá trị của cuộc sống là gì ạ?

Người thầy lấy một hòn đá trao cho người học trò và dặn:

    Con đem hòn đá này ra chợ nhưng không được bán nó đi, chỉ cần để ý xem người ta trả giá bao nhiêu.

     Vâng lời thầy, người học trò mang hòn đá ra chợ bán. Mọi người không hiểu tại sao anh lại bán một hòn đá xấu xí như vậy. Ngồi cả ngày, một người bán rong thương tình đã đến hỏi và trả giá hòn đá một đồng. Người học trò mang hòn đá về và than thở:

  - Hòn đá xấu xí này chẳng ai thèm mua. Cũng may có ngườihỏi mua với giá một đồng thầy ạ.

Người thầy mỉm cười và nói:

  - Tốt lắm, ngày mai con hãy mang hòn đá vào tiệm vàng và bán cho chủ tiệm, nhớ là dù chủ cửa hàng vàng có mua thì cũng không được bán.

    Người học trò rất bất ngờ khi chủ tiệm vàng trả giá hòn đá là 500 đồng. Anh háo hức hỏi thầy tại sao lại như vậy. Người thầy cười và nói:

  - Ngày mai con hãy đem nó đến chỗ bán đồ cổ. Nhưng tuyệt đối đừng bán nó, chỉ hỏi giá mà thôi.

   Làm theo lời thầy dặn, sau một hồi xem xét thì anh vô cùng ngạc nhiên khi chủ hiệu trả giá hòn đá là cả gia sản hiện có. Anh vẫn nhất quyết không bán và vội về kể lại với thầy. Lúc này người thầy mới chậm rãi nói:

 - Hòn đá thực chất chính là một khối ngọc cổ quý giá, đáng cả một gia tài, và giá trị cuộc sống cũng giống như hòn đá kia, có người hiểu và có người không hiểu. Với người không hiểu và không thể cảm nhận thì giá trị cuộc sống chẳng đáng một xu, còn với người hiểu thì nó đáng giá cả một gia tài. Hòn đá vẫn vậy, cuộc sống vẫn thế, điều duy nhất tạo nên sự khác biệt là sự hiểu biết của con và cách con nhìn nhận cuộc sống.

  Bài học: Mỗi người có một cách “định giá” khác nhau về thành công hay hạnh phúc. Hãy tôn trọng sự lựa chọn của mỗi người và làm cho đời mình trở nên giá trị theo cách của mình. Chỉ có bạn mới quyết đinh được cuộc sống của bạn.


4. Câu chuyện về hai hạt lúa


   Có hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt, đều to khỏe và chắc mẩy,...

Một hôm, người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nhủ thầm:


Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lý tưởng để trú ngụ.” Thế là nó chọn một góc khuất trong kho lúa để lăn vào đó.

Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới.

Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà bởi vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì- nó chết dần chết mòn. Trong khi đó, hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới...


Bài học: Đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ - đó là sự chọn lựa của hạt giống thứ hai. Trước cánh đồng cuộc đời bao la này tôi hy vọng chúng ta mỗi người sẽ có những sự lựa chọn cho riêng bản thân mình.


5. Ruồi và Ong Mật


Con ruồi phát hiện hình dáng nó rất giống con ong mật, rất lấy làm khoái chí, dự tính giả làm ong mật đi đến các khóm hoa lừa gạt tình cảm của hoa, cướp lấy mật ngọt.

Nhưng nó bay qua bay lại trong các khóm hoa không biết đã bao nhiêu lần rồi, lại không thấy có một bông hoa nào nở nụ cười với nó. Nó rất lấy làm khó hiểu, tìm đến hỏi ong mật rốt cuộc là nguyên nhân tại vì sao.

Ong mật cười đáp: “Cậu chỉ là hình dáng giống tôi thôi, nhưng trên thực tế vốn không phải là tôi! Bởi vậy, dù cậu có bay cả một đời quanh các khóm hoa, thì hoa cũng sẽ không xem cậu là tôi đâu!”.


Bài học rút ra: Vẻ ngoài có thể giống nhau, nhưng nội hàm thì lại không cách nào thay thế được.


6. Chàng trai trẻ và cô gái

Một chàng trai trẻ ở khu du lịch trông thấy một cô gái vừa xinh đẹp lại rất có khí chất, liền đi theo cô gái hết một đoạn đường rất dài. Cuối cùng cô gái này không chịu được nữa, liền quay người lại hỏi: “Sao anh cứ mãi đi theo tôi vậy?”.

Chàng trai bộc bạch rất chân thành: “Bởi em là người con gái xinh đẹp nhất, có khí chất nhất mà anh từng gặp, mong em hãy nhận lời làm bạn gái anh, có được không?”.

Cô gái trả lời: “Nếu anh nói tôi xinh đẹp, thế thì anh đã nhầm rồi, bây giờ chỉ cần anh quay đầu lại nhìn, sẽ thấy được cô bạn thân của tôi, cô ấy còn xinh đẹp hơn tôi nhiều!”.

Chàng trai đó nghe xong, lập tức quay đầu lại, nhưng nhìn thấy đâu đâu cũng chỉ là những cô gái tầm thường đâu đâu cũng gặp.

“Sao em lại lừa anh chứ?”, anh chất vấn cô gái.

“Là anh đang dối gạt tôi mới phải! Nếu anh thật sự thích tôi, thì sao lại còn ngoảnh đầu lại ngắm nhìn người con gái khác?”. Cô gái nói xong, liền cất bước bỏ đi thật nhanh.


Bài học rút ra: Con người ta đều là ăn cơm trong bát, nhìn cơm trong nồi, có những lời thề thốt chỉ có thể nghe cho có mà thôi!


7. Cái kết cho sự khinh thường

Tiều phu cùng học giả đi chung một chiếc thuyền ở giữa sông. Học giả tự nhận mình hiểu biết sâu rộng nên đề nghị chơi trò đoán chữ cho đỡ nhàm chán, đồng thời giao kèo, nếu mình thua sẽ mất cho tiều phu mười đồng. Ngược lại, tiều phu thua sẽ chỉ mất năm đồng thôi. Học giả coi như mình nhường tiều phu để thể hiện trí tuệ hơn người. Đầu tiên, tiều phu ra câu đố:


“Vật gì ở dưới sông nặng một ngàn cân, nhưng khi lên bờ chỉ còn có mười cân?”.


Học giả vắt óc suy nghĩ vẫn tìm không ra câu trả lời, đành đưa cho tiều phu mười đồng. Sau đó, ông hỏi tiều phu câu trả lời là gì.


“Tôi cũng không biết!“, tiều phu đưa lại cho học giả năm đồng và nói thêm:


“Thật ngại quá, tôi kiếm được năm đồng rồi.” Học giả vô cùng sửng sốt.


Bài học rút ra: Chẳng ai sinh ra đã hoàn hảo, càng tỏ vẻ khinh thường người khác thì càng chứng tỏ bạn là một người ngu dốt. Chẳng ai dám vỗ ngực nhận mình biết nhiều thứ bởi lẽ còn vô vàn thứ mà chúng ta vẫn chưa được biết đến. Càng tỏ ra thông minh thì sẽ càng bị thông minh hại. Cũng như người tiều phu trong câu chuyện mặc dù không học nhiều như học giả nhưng lại biết cách tính toán để cho mình có thể vẫn kiếm được một chút. Còn về phía học giả đã bị chính sự khinh thường và chấp tiều phu mà mất đi một khoản tiền oan. Đừng khinh thường người khác vì cái kết nhận lại lúc nào cũng rất đau đớn.



8. Hành trang lên đường

Có một hòa thượng muốn đi học tập ở nơi xa. Sư thầy hỏi: “Khi nào con đi?”


“Tuần sau con sẽ đi. Đường xa, con đã nhờ người đan vài đôi giày cỏ, sau khi lấy giày con sẽ lên đường.”


Sự thầy trầm ngâm một lát rồi nói: “Nếu không thì thế này, ta sẽ nhờ các tín chúng quyên tặng giày cho con.”


Không biết sư thầy đã nói với biết bao nhiêu người nhưng ngày hôm đó, có đến vài chục người đem giày đến tặng, chất đầy cả một góc căn phòng thiền.


Sáng hôm sau, lại có người mang một chiếc ô đến tặng cho hòa thượng.


Hòa thượng hỏi: “Tại sao tín chủ lại tặng ô?”


“Sư thầy nói rằng hòa thượng chuẩn bị đi xa, trên đường có thể sẽ gặp mưa lớn, sư thầy nói với tôi liệu tôi có thể tặng hòa thượng một chiếc ô?”


Thế nhưng hôm đó, không chỉ có người đó mang ô đến tặng. Đến buổi tối, trong phòng thiền đã chất khoảng 50 chiếc ô các loại.


Giờ học buổi tối kết thúc, sư thầy bước vào phòng thiền của hòa thượng: “Giày cỏ và ô đã đủ chưa?”


“Đủ rồi ạ!” – Hòa thượng chỉ vào đống ô và giày cỏ chất cao như ngọn núi nhỏ trong góc phòng. “Nhiều quá rồi thầy ạ, con không thể mang tất cả đi được.”


“Vậy sao được”, sư thầy nói. “Trời có lúc mưa lúc nắng, có ai tiên liệu được con sẽ phải đi bao xa, phải dầm bao nhiêu lần mưa gió. Nhỡ đâu giày cỏ đi rách hết cả, ô cũng mất, lúc đó con phải làm sao?”


Ngừng một lát, ông lại tiếp tục: “Trên đường đi, chắc chắn con sẽ gặp không ít sông suối, mai ta sẽ có lời nhờ tín chúng quyên thuyền, con hãy mang theo…”


Đến lúc này, vị hòa thượng mới hiểu ra ý đồ của sư phụ. Hòa thượng quỳ rạp xuống đất, nói: “Đệ tử sẽ xuất phát ngay bây giờ và sẽ không mang theo bất cứ thứ gì ạ.”


Bài học: Khi làm bất cứ việc gì, điều quan trọng không phải là những vật ngoài thân đã được chuẩn bị kỹ lưỡng hay chưa mà là ta đã đủ quyết tâm hay chưa?


Có quyết tâm, vạch rõ mục tiêu, tất cả đều không còn là vấn đề, không còn là trở ngại.


Hãy mang trái tim của mình lên đường, mục tiêu dù ở xa bao nhiêu đi chăng nữa nhưng đường ở ngay dưới chân mình, hãy cứ đi rồi sẽ đến. Bạn bước đi dù chỉ một bước, điều đó cũng có nghĩa rằng bạn đã có thu hoạch. Chỉ cần đem theo trái tim lên đường, tất cả những vật ngoài thân khác tự sẽ đủ!


9. Người đàn ông vứt bỏ đôi giày

Chuyến xe lửa đang chạy trên đường cao tốc, Johnny không cẩn thận làm rơi một chiếc giày mới mua ra ngoài cửa sổ, mọi người chung quanh đều cảm thấy tiếc cho ông. Bất ngờ, ông liền ném ngay chiếc giày thứ hai ra ngoài cửa sổ đó. Hành động này của Johnny khiến mọi người sửng sốt, thế là ông bèn từ tốn giải thích: “Chiếc giày này bất luận đắt đỏ như thế nào, đối với tôi mà nói nó đã không còn có ích gì nữa, nếu như có ai có thể nhặt được đôi giày, nói không chừng họ còn có thể mang vừa nó thì sao!”.


Bài học: Những thứ không còn lợi ích với mình đôi khi lại là niềm hạnh phúc vô bờ đối với người khác. Hãy trân trọng mọi thứ mình có và chia sẻ niềm hạnh phúc với mọi người.


10. Cảm ơn bố đã cho con thấy chúng ta nghèo như thế nào!

Một ngày nọ, người bố giàu có dẫn cậu con trai của mình thăm thú một ngôi làng. Người bố muốn cho con trai của mình thấy một người nghèo có thể nghèo đến mức nào. Họ đã dành thời gian tham quan cánh đồng của một gia đình nghèo. Sau khi trở về, người bố hỏi cậu con trai:


– Con thấy chuyến đi thế nào?


– Rất tuyệt bố ạ!


Người bố hỏi:


– Con đã thấy người nghèo sống thế nào chưa?


– Vâng con thấy rồi ạ!


– Vậy nói cho bố nghe, con học được gì từ chuyến đi này?


Cậu bé trả lời: “Chúng ta có 1 con chó, họ có 4. Chúng ta có bể bơi, họ có những con sông. Chúng ta dùng đèn vào ban đêm, còn họ có những ngôi sao. Chúng ta có những bức tường để bảo vệ mình, họ có bạn bè. Chúng ta có TV, còn họ dành thời gian cho gia đình và họ hàng.”


Người bố không nói lên lời. Cậu bé nói thêm: “Cảm ơn bố đã cho con thấy chúng ta nghèo như thế nào!”.


Ý nghĩa câu chuyện: Chúng ta không giàu có chỉ vì có nhiều tiền. Tình yêu, lòng trắc ẩn, tình bạn, những giá trị đích thực, gia đình mới khiến bạn là người thực sự giàu có.











Thứ Năm, 15 tháng 8, 2024

TRỐN CHẠY MỘT NỔI ĐAU

 Cô gái lao nhanh khỏi quán cà phê như người quẫng trí, băng ra con phố lớn buổi tan tầm tấp nập dòng người vội vã, mặc cho những tiếng gọi theo của chàng trai từ phía đằng sau


"...em nghe anh nói đã..."


Rầm!!!


Anh tỉnh giấc sau một đêm dài. Có chút bần thần vương trên gương mặt còn đang ngái ngủ của người đàn ông ấy. Có lẽ anh lại gặp một cơn ác mộng nào đó đêm qua. Cố gắng trấn tĩnh bản thân, anh ngồi bật dậy, lắc mạnh đầu để xua đi cảm giác mỏi mệt còn tồn đọng trong cơ thể mình.
    Sài Gòn đã vào mùa nóng. Những cơn nắng phủ lên thành phố từ rất sớm làm cho cái chốn vốn dĩ ồn ào này càng thêm náo nhiệt. Ngày làm việc của anh bắt đầu ở những công trường đầy nắng gió. Dẫu nhiều mệt mỏi và bận rộn nhưng nó khiến anh cảm thấy mọi thứ rất ổn định. Năm năm qua, anh đã quen dần với cái cảm giác vùi đầu vào công việc. Anh ghét sự xô lệch, bất cứ một thay đổi dù là nhỏ nhất trong cuộc sống hiện tại cũng làm anh thấy thật phiền phức. Anh sống trầm lặng với chuỗi ngày mải miết trong cuộc sống cơm áo gạo tiền, bỏ qua hết những ý nghĩ tiêu cực và một nỗi đau nào đó của quá khứ. Khuôn mặt anh trở nên điềm đạm dần qua năm tháng. Người ta sẽ không dễ dàng nhận ra được nét buồn nào trên gương mặt điển trai ấy. Chỉ có những buổi chiều nhàn rỗi nào đó, khi anh ghé lại quán cà phê quen thuộc một mình, có cái tên không thể bình dị hơn Cỏ, và chỉ duy nhất ở Cỏ, người ta mới có thể bắt gặp anh trong hình ảnh của một người mang đầy tâm trạng. Cỏ là một quán cà phê xinh xắn, lọt thỏm giữa những ồn ào của Sài thành. Nhưng đến Cỏ, người ta vẫn luôn tìm thấy được cảm giác bình yên đến lạ thường. Anh chưa từng đến nơi nào thường xuyên và đều đặn như Cỏ. Là do sự yên tĩnh ấy làm anh thích thú hay chính nơi này còn mang một ý nghĩa nào đó khác với anh?
Cà phê đen không đường là thứ thức uống duy nhất anh chọn cho mình mỗi lần đến đây. Anh yêu vị đắng chất đọng của những giọt cà phê đen bởi nó không bị pha lẫn với bất cứ thứ gì khác. Cũng như con người anh bao năm qua, không muốn bị ảnh hưởng quá nhiều bởi những thứ xô bồ ngoài xã hội. Anh yêu cái cách cà phê nhỏ giọt, chậm rãi và bình lặng như những gì anh cần sau ngày dài đủ mệt.
Có lẽ hôm nay là một ngoại lệ hiếm hoi nào đó - anh không đến đây một mình như thường lệ. Một cuộc hẹn đã được sắp đặt trước. Anh đang đợi Mai Lan - cô gái đã hơn một lần ngỏ ý yêu anh, cô gái vẫn luôn dõi theo cuộc sống của anh suốt 2 năm qua.
Thế nhưng, quãng thời gian từ trước lúc gặp Lan cho đến tận hôm nay, những cảm giác tồn tại trong anh vô cùng trống rỗng. Chưa một lần anh đáp lại tình cảm của cô gái ấy nhưng anh cũng không từ chối thẳng thừng. Anh dửng dưng im lặng trước những quan tâm của Lan, chỉ để cho cô gần kề cuộc sống của mình nhưng không cho phép cô bước vào.
5 năm-không phải thời gian quá dài nhưng đủ để anh nhắc mình phải quên những thứ cần lãng quên. Quá khứ kia, giờ đây anh chỉ muốn thả trôi nó vào một khoảng không bình lặng. Anh muốn bắt đầu một mối quan hệ mới, và người đầu tiên anh nghĩ đến chính là Mai Lan. Vì thế mà anh đã gọi điện hẹn Lan từ tối hôm trước.
Lan là một cô gái xinh đẹp, là nhân viên của một tòa soạn có tiếng trong thành phố, tự tin, yêu đời, yêu công việc mà cô đang làm và là một cô gái yêu anh. Lan quen biết anh từ buổi tiệc sinh nhật đình đám của một người bạn trong đám bạn dây mơ rễ má thời đại học. Lan không giống những cô gái khác. Yêu anh, Lan không phủ nhận những rung động của mình, cô đã can đảm ngỏ lời với anh. Nhưng dường như, mỗi lần cô nhắc đến chuyện yêu đương, anh đều lảng tránh ánh mắt cô. Điều gì có thể khiến một người đàn ông đầy nét phong trần như anh lại e ngại trước tình yêu. Phải chăng là một quá khứ nào đó vẫn chưa nguôi ngoai trong lòng người đàn ông ấy? Lan chưa bao giờ tìm được câu trả lời. Nhưng Lan trân trọng cảm xúc của anh. Cô nghĩ, điều duy nhất để cô chứng minh tình cảm ấy của mình chính là sự chờ đợi. Hai năm quen biết nhau, cô và anh chưa từng một lần vượt quá giới hạn của tình bạn. Nhưng Lan vẫn nuôi hy vọng rằng, một ngày nào đó, anh sẽ đáp trả những chờ đợi của cô bằng một lời dứt khoát. Hoặc là yêu để cô cảm thấy sự đợi chờ này luôn xứng đáng, hoặc là không yêu, cô sẽ can đảm từ bỏ. Chưa bao giờ Lan thấy mình mạnh mẽ như vậy.
Những tia nắng chiều nhạt dần , len lỏi qua kẽ lá hắt lên gương mặt anh một chút gì đó thật dịu dàng. Dịu dàng như chính nụ cười anh lúc này, dành cho Lan - cô gái đang ngồi ở phía đối diện anh. Cái nắm tay giữa họ chính là lời đáp trả ngọt ngào nhất cho những chờ đợi chân thành của cô gái ấy. Lan không dám tin đây là sự thật, có lẽ chỉ là một giấc mơ đang hiện hữu. Mắt cô long lanh và những dòng cảm xúc lộn xộn ùa về trong trí não, hai năm chờ đợi của cô, cuối cùng cô cũng được mãn nguyện. Cô không hiểu điều gì khiến anh nói ra lời yêu đột ngột ấy , có điều gì không đúng ở đây chăng? Cô hơi hoang mang nhưng dường như những suy nghĩ đó vẫn chẳng thể lấn át nổi cái cảm giác hạnh phúc trong cô lúc này. Dẫu thế nào đi nữa, cô vẫn đón nhận tình yêu này bằng tất cả những khao khát thương yêu dành cho anh.
Còn với anh, mọi thứ dường như đang rất đúng. Lan vẫn luôn là một cô gái mang theo niềm lạc quan thổi vào cuộc sống khô khan của anh những quan tâm dịu dàng nhất. Anh không phải kiểu người qua vô tâm, hai năm qua anh luôn biết Lan vẫn chờ đợi mình. Đã đến lúc anh phải rời bỏ cái quá khứ cũ kĩ kia để cho mình và cô ấy một cơ hội bước vào cuộc đời nhau. Anh tin, tình yêu này sẽ luôn đúng, đúng như những gì anh đã nghĩ...
Và họ yêu nhau. Đó là một tình yêu không bon chen, không hào nhoáng nhưng đủ dịu dàng và đằm thắm như bao cuộc tình khác. Anh bắt đầu dành nhiều hơn những quan tâm cho Lan, anh thay đổi những thói quen của trước đây của mình vì cô. Anh đón nhận những ngọt ngào và ấm áp của tình yêu Lan dành cho anh bằng tất cả trách nhiệm và sự cố gắng. Những lời yêu trao nhau, những tháng ngày hò hẹn, những món quà, những bức ảnh chụp chung và cả những chuyến đi mà họ đã cùng nhau luôn khiến người ta phải thầm ghen tị. Nó quá đỗi hạnh phúc và ngọt ngào. Một năm yêu nhau, Lan chưa bao giờ khiến anh cảm thấy áp lực vì tình yêu. Bởi thế cuộc tình đó luôn gói gọn trong một thế giới mà anh luôn cho rằng không hề sai lệch. Tất cả cứ bình lặng trôi qua theo thời gian và tưởng như sẽ mãi bình lặng như thế.
Cho đến khi Lan nhận ra sự bình lặng quá đỗi bất thường giữa họ. Suốt hơn một năm yêu anh, cô đã phải cố gắng rất nhiều để thấu hiểu, để chia sẻ cùng anh những vui buồn. Cô chưa bao giờ phải rơi nước mắt vì anh, và anh cũng không lừa dối cô bất cứ điều gì. Chỉ có điều, những khi cô thắc mắc về quá khứ của anh, ánh mắt anh đều né tránh, im lặng như đang giấu kín một điều gì đó. Lan cảm thấy mông lung trong những lần như vậy, và những hồ nghi bắt đầu nhen nhóm. Cô cảm thấy lo sợ sự lặng im ấy của anh, lo sợ một ngày anh sẽ chẳng còn yêu cô nữa vì một bí mật nào đó trong anh mà cô không thể biết được. Càng yêu anh, cô lại càng muốn biết về quá khứ ấy. Và những thắc mắc đó đã khiến cho những lần hẹn hò giữa họ trở nên căng thẳng hơn. Và rồi, họ cãi nhau mỗi lúc một gay gắt. Những ngày giận nhau, cô vùi mình trong hàng tá câu hỏi đan xen cùng nỗi sợ mất anh. Còn anh tìm đến rượu.
Hơn 11 giờ đêm, người ta gọi cho cô từ số máy của anh. Cô hớt hải chạy đến một quán nhậu ven sông, và chợt nhìn thấy anh đang say khướt, chẳng còn nhớ nổi đường về. Chưa bao giờ cô thấy anh say đến vậy.
Lan khóc. Đáng lẽ ra cô không nên gây áp lực cho anh như thế. Có lẽ cô đã sai khi cố dò hỏi về một quá khứ nào đó của anh mà anh đã phải đau đớn rất nhiều.
Anh vuốt ve khuôn mặt cô, giọng anh mơ hồ gọi mãi một cái tên "Hải My!, Hải My ơi!"
Cô như chết lặng. Lòng tựa có một mũi dao vừa đâm xuyên qua. Đúng rồi! Là một cái tên rất xa lạ, nhưng đủ để cô hiểu ra tất cả. Chẳng cần phải hoài nghi gì nữa, cô đã biết được vì sao anh luôn lảng tránh những câu hỏi của mình khi nhắc về quá khứ. Bởi vì quá khứ của anh, có một hình bóng mà anh chưa bao giờ quên được, bởi vì bao năm tháng qua, anh chỉ có thể yêu cô bằng thể xác đó, con người hiện tại đó, nhưng trái tim và tâm hồn anh vẫn mãi ở lại trong quá khứ kia, cùng một người con gái mang tên Hải My. Anh đã dành tất cả sự sâu nặng của mình để yêu một người con gái, không phải là cô. Bởi thế mà tình yêu của họ suốt hơn một năm qua chỉ như một cái vỏ bọc hạnh phúc vẻ bề ngoài, chỉ là một thứ thuốc tẩy mà anh dùng để xóa đi quá khứ ấy, nhưng anh đã không thể che giấu...Cô gái dìu anh trong cơn say, nước mắt tuôn trào như mưa...



     Cà phê Cỏ buổi tan tầm...Ánh nắng tắt dần trên gương mặt của chàng trai, chỉ còn lại nét hờn ghen giận dữ đổ dồn về phía người con gái đang ngồi đối diện mình:
- Nói đi, thằng đó là gì của em? Còn anh là gì?
- Em đã giải thích tất cả mà tại sao anh cứ không tin em, anh bảo anh yêu em mà đến nỗi một sự tin tưởng dành cho em anh cũng không có sao?
- Em lừa dối anh như thế mà còn muốn anh tin hay sao?
- Anh thôi đi, đủ rồi! Em mệt mỏi lắm rồi! Em không muốn nghe gì nữa cả. Anh là kẻ ích kỉ, anh chưa bao giờ hiểu cho em, anh chỉ nghĩ cho mình anh thôi.
Nước mắt tuôn đầm đìa trên gương mặt cô gái, một nỗi uất nghẹn trào dâng khiến cô chẳng thể nói thêm được điều gì.
Cô gái lao nhanh khỏi quán cà phê như người quẫng trí, băng ra con phố lớn buổi tan tầm tấp nập dòng người vội vã, mặc cho những tiếng gọi theo của chàng trai từ phía đằng sau
"Hải My! Em nghe anh nói đã..."
...
Rầm!!!
Âm thanh tàn nhẫn, hỗn loạn, ám ảnh vang vọng trong mãi trong anh. Hình ảnh nhốn nháo ồn ào của buổi chiều hôm đó, khi người ta xúm xít vây quanh vụ tai nạn tàn khốc đó nhưng chẳng còn kịp để cứu lấy cô gái kia. Người ta chỉ còn biết lặng câm, xót xa cho một số phận đã an bài, tiếc thương cho cuộc tình đôi trẻ...Anh ôm cô gái ấy giữa vệt máu lênh loáng khắp mặt đường: "Hải My! Hải My ơi..."

Nỗi đau năm nào đã lùi lại trong một phần kí ức nhói đau của anh. Nhưng sao nó tựa hồ vẫn còn rất mới. Phải chăng là chính anh hôm nay vẫn chưa thể thứ tha cho chính mình. Vì những hờn ghen bồng bột của tháng ngày trẻ dại, anh đã đánh mất đi mối tình đầu đẹp đẽ ấy, khiến người con gái anh yêu vĩnh viễn rời xa thế giới này. Anh nhận ra, mình chưa từng quên được Hải My, dẫu anh đã cố lấp đi nỗi nhớ ấy bằng một cuộc tình mới. Anh biết mình sai, thật sự sai. Anh đã làm tổn thương Mai Lan.
"Anh xin lỗi em, Mai Lan!"
"Cảm ơn em vì tất cả những gì em đã dành cho anh trong suốt thời gian qua. Em là người con gái tốt, em xứng đáng với một người đàn ông tốt hơn anh rất nhiều"
"Có lẽ anh cần thời gian để dứt bỏ quá khứ đau lòng ấy. Anh không dám cầu mong em tha thứ, chỉ mong em đừng khóc, đừng buồn vì một người như anh, được không em!?"
"Anh đặt vé rồi! Ba ngày nữa thôi, anh sẽ rời khỏi thành phố này. Ở một đất nước khác, anh chỉ mong chúng ta sẽ tìm được những bình yên trong chuỗi ngày về sau..."
Những dòng tin nhắn từ anh liên tục hiện lên trên màn hình điện thoại của Mai Lan. Nước mắt cô lã chã tuôn rơi. Chưa bao giờ cô thấy trái tim mình đớn đau, quặn thắt đến vậy. Nhưng hơn cả nỗi đau, cô hiểu điều anh cần lúc này chính là sự bình yên.
"Chẳng lẽ anh định cứ thế mà đi sao? Ít ra cũng phải để em được gặp anh lần cuối chứ!"



      Ngày mưa bay lất phất....Đường sân bay rộng thênh thang. Cái ôm của Lan và anh giữa những thênh thang ấy bỗng chốc quá đỗi nhỏ bé và mong manh, làm sao bù đắp nổi những tổn thương trong cô lúc này. Dẫu cô biết đây sẽ phải là cái ôm cuối cùng mà họ dành cho nhau, một cái ôm chất đầy sự chia ly mà phải can đảm lắm, mạnh mẽ lắm cô mới có thể có mặt ở đây, chỉ để ôm anh một cái rồi buông tay, mỉm cười...Nụ cười ấy đối với anh vẫn luôn rạng rỡ và xinh đẹp như bao ngày, anh dặn lòng sẽ luôn nhớ về cô bằng tất cả sự trân trọng và quý mến.
Chuyến bay cất cánh, mờ dần và mất hút trong cái âm thanh đều đều.
Mưa tạnh. Con đường này sẽ không còn anh bước bên cạnh nữa nhưng cô vẫn sẽ tiếp tục bước đi bằng tất cả sự mạnh mẽ và lạc quan của chính mình. Và cô luôn tin, một khi nắng lên, lòng cô sẽ lại ấm.
"Bình yên anh nhé! Em yêu anh nhưng chỉ nốt hôm nay nữa thôi!..." - suy nghĩ nào đó quẩn quanh trong tâm trí Lan khi cô trở về trên con đường khuya ướt mưa...


COI MẮT

 Năm đó Mận mười tám tuổi. Anh hăm hai tuổi. Thím Út là người đứng ra mai mối. Cha Mận mất sớm, nhà chỉ có hai mẹ con, nên muốn Mận lập gia đình và bắt rể, để trong nhà có được người đàn ông...                  

   Anh nhớ bữa cơm hôm đó. Anh rủ bạn bè đi chung cho vui. Cái chính là thích náo nhiệt. Một cô gái có mái tóc dài trong chiếc áo bà ba nổi bật những bông hoa nhỏ trên nền tím cà rất xinh, lấp ló sau cánh cửa buồng không dám bước ra. Những chun rượu gạo đánh đổ mấy chàng trai trẻ... Trí nhớ anh dừng lại đó. Không biết trong cơn men say làm chếch choáng đầu óc... anh có đọc thơ tình cho Mận nghe không? Ôi! Cái tội lỗi tình si... Anh có gieo không?


Đi được hai phần ba chặng đường, còn một đoạn nữa là về đến nhà, nhưng Phước không thể... Hình như chiếc xe máy cà tàng của anh cần được nghỉ ngơi. Tấp vào quán cà phê bên đường anh tắt máy. Chọn một chiếc võng có chỗ nằm thoáng, gió từ bờ sông thổi lên mát rượi. "Cà phê võng" cái biển hiệu khiêm tốn khuất sau đám dây leo um tùm. Gọi cà phê xong, anh thả người xuống chiếc võng đong đưa, thật dễ chịu. Đi từ lúc trời chưa sáng, mấy tiếng đồng hồ chạy xe nghe ê ẩm. Cái lưng này cũng tới tuổi rồi... Anh khẽ cười thầm "Cũng như cái xe vậy thôi. Có sử dụng mà không bảo trì, tu bổ thì sẽ rạc đi với thời gian... Cũng may cơ thể con người có khả năng tự tái tạo và chữa lành... nên mình còn ngồi đây." Dõi tầm mắt dọc theo mé sông. Một đôi uyên ương đang tạo dáng cho phó nhòm chụp ảnh. Thiên nhiên và cách trang trí quán rất bắt mắt, cô dâu chú rể sẽ có một bộ ảnh ngoại cảnh đẹp đây! Tuổi trẻ bây giờ khác hồi thời của anh. Một hình ảnh chợt thoáng qua. Anh cũng đã từng đi coi mắt vợ...
Dòng sông tuổi thơ với con nước đục lờ theo anh lớn lên. Gắn bó và ở lại trong ký ức những bài thơ tình không đoạn kết... Tình yêu của anh đầy trăng sao và không thiếu hương hoa.
Anh đã rời dòng sông quê cùng người yêu đến một chân trời mới... Muốn được như chàng nam chính trong phim kiếm hiệp kỳ tình Trung Hoa ngày ngày được chải tóc cho người mình yêu. Để có được cơ hội đó, anh đã đóng trọn các vai diễn trong cuộc đời... Từ một anh nhà báo, biên tập cho đài truyền hình đến những công trình vắt vẻo trên cao với dàn giáo. Anh vẽ những họa tiết cuộc đời với chủ đề được đặt trước...
Có những đêm trong vai anh xe ôm dưới ánh đèn vàng mệt mỏi đường phố, anh đợi khách trong vắng lặng của đêm qua khói thuốc nhuộm vàng đầu tay. Những bài thơ viết vội trên giấy gói bánh mì vẫn tràn đầy cảm xúc. Phải chi có ai đó mua thơ, để anh bán... Chỉ có chị bán bánh mì được đọc thơ anh miễn phí, không biết chị có hiểu những gì anh muốn gởi vào thơ mà thỉnh thoảng thấy chị thở dài cũng có lúc cười tủm tỉm... Chỉ có anh bụng luôn réo lên trong se lạnh!
Gia đình nhỏ của anh đã có một con trai. Anh luôn bên cạnh chăm sóc và có mặt mọi lúc, mọi nơi khi vợ con cần đến. Anh muốn xây lâu đài cho nàng. Sự nỗ lực của anh đã có kết quả. Một ngôi nhà khang trang ấm áp. Không biết anh đã mất đi bao nhiêu thời gian để quên bản thân trong sự miệt mài. Da anh sạm lại. Mắt anh trĩu nặng mỏi mệt...
Con trai anh giờ đã lớn. Anh cảm giác cô đơn trong căn nhà đó! Vì nàng đã thay đổi quá nhiều, không còn vui khi anh chải tóc... Chỉ thích đếm tiền... Từ đó anh bỏ làm thơ...!
Phước trả tiền ly cà phê rồi ra xe tiếp tục cuộc hành trình. Đã lâu anh chưa về thăm cha mẹ. Lòng nôn nao một cảm giác khó tả. Sắp được về nhà... Cứ mỗi lần về trong anh lại rộn ràng như thế. Không biết có bao nhiêu lỗi lầm, chỉ cần thấy anh về cha mẹ và các chị em đều rất vui. Gia đình lại bày biện ăn uống sum vầy. Cá dưới sông. Rau sau vườn. Gà ngoài nương...
Đêm, anh đem ghế bố ra trước hàng hiên nằm đếm sao trời. Chỉ ở quê, trời mênh mông không hạn chế tầm nhìn. Một mình với thế giới riêng, anh mơ... Giấc mơ trong đó không có kẻ mạnh hiếp kẻ yếu. Mọi giá trị không được tính bằng tiền, chỉ được đánh giá trên năng lực thực thụ bản thân và tính yêu thương của con người giữa vạn vật. Tiền chỉ là công cụ để trao đổi...
Anh lại thích có anh hùng... Những người đàn ông trượng nghĩa. Thấy chuyện bất bình là ra tay. Thời đại nào cũng có những người tài đức đủ dũng khí để bảo vệ lẽ phải. Không thể thiếu người phụ nữ dịu dàng, đằm thắm. Sự mềm mại đó như dòng suối mát làm tươi mới sự khô cằn những người đàn ông như anh. Lan man trong ước mơ sắp lại trật tự xã hội, anh xuôi theo cơn gió mát chìm vào giấc ngủ.


      Những vì sao trên cao nghiêng mắt nhìn anh. Người đàn ông với tướng nằm co như con tôm luộc, thói quen ghé vào đâu đó chợp mắt trong chốc lát để lấy sức. Một tay gác lên che khuất gương mặt vuông cương nghị với vầng trán hằn những suy tư. Tay còn lại xuôi thẳng, bàn tay mở rộng như tâm tánh anh, chẳng giữ lại cái gì cho riêng mình như cuộc đời này vốn thế... Đến và đi cũng chỉ hai bàn tay trắng.

Đêm lùi dần vào huyễn hoặc riêng mang... Tia nắng đầu tiên lấp lánh giọt sương còn đọng lại nổi bật trên nền xanh từng tảng lá. Giàn mướp rũ những đọt non sau một đêm vươn xa khỏi giàn đong đưa trong gió sớm mai.
Phước bật dậy với tiếc nuối lặng ngắm bình minh. Mùi trà ướp hoa lài của cha thơm nức mũi không cưỡng lại được. Trong góc sân, một nhà chòi lục giác được lợp bằng lá dừa, cha anh ngồi trên bộ bàn ghế gỗ lâu năm bóng láng với tách trà bốc khói trên tay... Thói quen uống trà buổi sáng sớm mấy chục năm nay như là thú vui không thể thiếu cùng những ông bạn già hàng xóm tụ tập đánh cờ, đàm đạo...
Đã ngoài tám mươi, cha anh vẫn còn minh mẫn. Người ông khô nhưng dáng điệu còn khỏe. Anh hay gọi đùa cha như cây Bonsai trăm tuổi...
Anh bước ra chào cha và ngồi xuống, rót tách trà. Mùi trà thơm khiến anh tỉnh hẳn. Vị chát của trà đọng lại ngọt hậu khiến người uống bắt ghiền. Quay sang anh, cha nhắc chừng "Con chặt quày dừa đặng lát đem qua nhà thím Út, hôm nay giỗ chú Út bây đó." Anh dạ nhỏ rồi đứng lên. Vườn nhà anh trồng khoảng chục gốc dừa. Những cây dừa cũ cao chót vót nằm cuối vườn. Giống dừa mới bây giờ thấp hơn. Chặt một quày dừa không tốn công sức là bao.
Anh với chị Ba và nhỏ Tám xách giỏ trái cây và quày dừa qua trước, phụ thím Út. Một tay thím cũng vất vả. Con cái ở xa, ngày giỗ mong chúng về kịp là vui rồi.
Đã lâu không có dịp đi lại con đường này. Từ nhà anh đến nhà thím Út chừng mấy công đất đường chim bay. Nông thôn bây giờ cũng thay đổi nhiều. Con đường được tráng nhựa mở rộng hơn. Hàng quán nhiều hơn. Chỉ một thời gian ngắn mà quá thay đổi. Chỉ có dòng sông, con nước đục lờ anh ngụp lặn mỗi ngày cùng đám bạn là giữ được bóng dáng ngày nào. Anh bồi hồi xúc động. Có điều gì đó anh bỏ sót sao...? Ruộng lúa bên đường đang trỗ đòng đòng, mướt màu con gái. Anh đã quay lưng lại với tất cả để làm con thiêu thân lao vào tình yêu bằng lòng chịu chết...
Con người anh là như thế! Yêu cho đến tận cùng...
Vừa chạm ngõ nhà thím Út, mấy con chó chồm lên sủa rân trời. Thím Út trong nhà la vọng ra đuổi mấy con chó. Cái chân cà nhắc vì đau khớp gối khiến thím đi lại khó khăn. Ánh mắt thím sáng lên khi nhìn thấy chị em nhà anh. "Vào đây! Mấy đứa qua thím mừng quá!" Quay qua anh thím đảo mắt từ trên xuống, cười cười nói "Thằng Phước! Bây lâu lắm mới về."
Căn nhà ba gian chừng lên màu rêu xanh. Mái ngói sậm lại với gió mưa. Bước vào gian giữa là nơi thờ ông bà tổ tiên và cũng là phòng khách. Nhỏ Tám xuống nhà dưới rửa trái cây bày lên đĩa, đặt lên bàn thờ. Thím Út bùi ngùi đốt nắm nhang trầm đưa cho mấy chị em thắp cho chú Út. Không khí như lắng xuống nao lòng.
Chú Út là y sĩ quân y. Tử trận do mìn. Chú ra đi lúc còn trẻ, mình thím Út nuôi hai con đến khôn lớn không đi bước nữa, dù không thiếu những người đàn ông muốn cùng thím đi hết phần đời còn lại. Phước thở dài... Thời gian có vô tình không? Hay tại con người không biết trân quý nó!
"Ngồi uống nước mấy đứa. Công chuyện từ sáng sớm có con hai Mận qua phụ thím mần xong hết ráo." Nhìn Phước thím tiếp tục "Thằng Phước mày nhớ con hai Mận không? Hồi đó đi coi mắt, phải ưng ý thì giờ đâu đến nỗi! Con người ta vẫn ở không đó!" Anh há hốc miệng với cảm giác rơi hụt hẫng... "Có chuyện đó sao?" Thím Út đều giọng kể "Lúc hay tin bây lấy vợ. Hai Mận buồn sinh bịnh một thời gian mới tỉnh hồn. Kể cũng tội nghiệp."
Hình ảnh hai Mận thoáng hiện lên trong ký ức, mờ nhạt như sự vô tâm của thằng con trai mới lớn háo thắng. Cảm giác nhói buốt... Có phần nào lỗi của anh không!?
Năm đó Mận mười tám tuổi. Anh hăm hai tuổi. Thím Út là người đứng ra mai mối. Cha Mận mất sớm, nhà chỉ có hai mẹ con, nên muốn Mận lập gia đình và bắt rể, để trong nhà có được người đàn ông...
Anh nhớ bữa cơm hôm đó. Anh rủ bạn bè đi chung cho vui. Cái chính là thích náo nhiệt. Một cô gái có mái tóc dài trong chiếc áo bà ba nổi bật những bông hoa nhỏ trên nền tím cà rất xinh, lấp ló sau cánh cửa buồng không dám bước ra. Những chum rượu gạo đánh đổ mấy chàng trai trẻ... Trí nhớ anh dừng lại đó. Không biết trong cơn men say làm chếch choáng đầu óc... anh có đọc thơ tình cho Mận nghe không? Ôi! Cái tội lỗi tình si... Anh có gieo không?
Tiếng thím Út làm anh giật mình trở về thực tại "Nhỏ hai Mận cứ chung tình với thằng Phước, những đám khác dọ hỏi nó không ưng. Mẹ nó riết rồi cũng không hối chuyện chồng con. Nhưng chỉ sợ bà mất đi rồi nó lại một mình rất tội nghiệp...
Vừa lúc đó, tiếng con chó loẳng quẳng mừng ai đó. Anh tưởng tượng cảnh cái đuôi nó vẩy liên tục rồi nhảy chồm lên. Đó là hình ảnh con Vàng ngày xưa của anh. Thím Út chỉ tay ra ngõ "Hai Mận qua tới!" Cảm giác bối rối không biết nên đối diện như thế nào sau những gì thím út nói làm anh bối rối.
Anh nhìn ra trước sân. Người phụ nữ đã ngoài bốn mươi, tướng đi nhẹ nhàng, khoan thai, nhan sắc đằm thắm, mặn mà, thon thả trong chiếc áo bà ba xanh nhạt, mái tóc dày búi thấp trông gọn gàng không kém phần duyên dáng. Có ai đó thắp lửa bên trong anh. Cảm giác chao đảo như cơn sóng đi qua, anh cố níu vào cái bề ngoài lạnh lùng vốn có để giữ chặt tính đam mê vẻ đẹp. Không chỉ riêng sự khả ái của phụ nữ hút anh. Bất chợt một khoảnh khắc bắt gặp nét tuyệt vời giữa thiên nhiên cũng khiến anh lặng đi vì xúc động.
Thấy nhà có khách, Mận đi tránh vô gian bếp. Thím Út gọi giật lại "Mận à! Vào đây con, người quen không chứ có lạ đâu." Mận bước vô phòng khách, nhìn một lượt... Cô gật đầu chào mọi người rồi ngập ngừng nhìn anh "Anh Phước về chơi?" Anh khẽ cười lên tiếng "Mận còn nhớ tui ha." Đôi mắt chợt thoáng buồn vì câu hỏi vô tình. Thay vì trả lời, đôi mắt đó khép lại như giấu kín một linh hồn riêng mang... Cô đánh trống lảng "Để con xuống bếp mần cho xong công chuyện." Không đợi thím Út lên tiếng, Mận đã khuất sau cánh cửa...
Anh rít một hơi điếu thuốc cháy dở rồi dụi vào gạt tàn, nghe nóng rát cổ họng. Có phải anh đang hủy hoại thể xác vốn đã mòn mỏi... Đâu là nơi chốn của anh? Sao nghe mất phương hướng như thế này? Nhà cửa, vợ con hình như không thuộc về anh. Anh như một công cụ. Đến một ngày anh nhận ra cả sự tự do cũng không còn. Tất cả cuộc đời anh như vật hiến tế. Anh đã đặt để một tượng thần rồi bái lạy. Anh không dám động hay phản kháng, không phải vì nhu nhược. Những tháng ngày đong đầy yêu thương anh cho hết... Cuộc sống vợ chồng chỉ cần tình yêu. Tờ hôn thú chỉ là giấy... Anh vui với hoa nắng trước sân nhà sớm mai... Anh vui khi cuối chiều đem về tổ ấm thành quả công sức lao động của mình. Anh vui khi vợ mình đứng tên trên một tài sản. Đến một ngày nhìn lại anh chỉ có hai bàn tay trắng. Có lẽ tình yêu đã bội thực mà chết cùng với tuổi trẻ và công sức của anh.



Anh đi tìm lại mình trong cô đơn, vắng lặng, thèm được như nắng như gió lang thang cùng trời cuối đất. Đã bao lâu rồi anh không làm thơ. Bài thơ tình không có vai nữ chính sao tròn cảm xúc... Chợt nhớ tới Mận hôm đám giỗ nhà thím út. Anh tìm cách nói chuyện với Mận, như giải mã thắc mắc trong lòng. Những câu bâng quơ qua lại rồi hết chuyện. Anh đánh bạo hỏi thẳng "Mận còn nhớ buổi coi mắt đó không?" Trầm ngâm một hồi Mận lên tiếng "Anh còn nhớ bài thơ hôm đó tặng em không?"Anh giật thót mình tự hỏi bản thân "Có chuyện đó sao?" Lặng đi trong nao buồn, đau thương... Anh chưa biết phải xử trí như thế nào!...
Thật khẽ, Mận đọc cho anh nghe bài thơ đã níu giữ Mận cho đến hôm nay.
Bàng hoàng trước những lời lẽ ngọt ngào tình tứ như một thệ ước thủy chung. Đó là men say, sự thoát thai bay bổng cảm xúc của tuổi trẻ... Anh quay lại nhìn Mận thật lâu, cái nhìn hơn nửa đời người anh đã nợ. Anh vô tình đi qua, đùa cợt trước cảm xúc đầu đời một thiếu nữ. Lòng anh chùng xuống như chiều ngoài kia trầm hẳn về đêm. Nợ tình trả sao đây!?...
Đất ruộng nhà Phước mấy năm nay cho người khác thuê. Đã đến lúc anh trở về với làng quê, làm chủ thửa đất hương hỏa. Tuổi trẻ bồng bột đã lôi anh xuống lưng đồi. Anh phải từng bước trở về nơi bình yên... Tầm mắt anh dõi theo những cánh cò trắng cuối chiều êm ã, với đôi chân mạnh dạn anh đi...
Nhìn dĩa bánh ít trên bàn, anh nhớ hồi còn khỏe mẹ thường gói bánh nhân đậu, nhân dừa. Đã lâu mùi vị vẫn còn trong ký ức anh! "Bánh ít đâu vậy chị Ba?" Tiếng chị Ba ngoài hiên vọng vào "Con hai Mận đem cho đó!" Anh chợt khựng lại, miếng bánh đang ăn như mắc nghẹn nơi cổ....
Uống ly nước để nuốt cho trôi miếng bánh, bước ra vườn sau, mùi ổi chin thơm ngọt. Mùa nào trái đó. Bước đến gốc mận đang mùa ra hoa. Nhìn những chùm hoa khép mình dưới tán lá, dày đặc kín cây. Anh thấy lòng trĩu nặng hình ảnh cô gái ngồi lặng yên nghe người say đọc thơ... Bài thơ dài hơn hai mươi mấy năm vắng lặng...



Đã lâu anh không làm thơ. Khẽ mỉm cười... Tự dưng anh muốn viết gì đó trước mùa mận sắp đậu quả...!
Saigon - 29/9/19
LÊ YÊN