HOÀI NIỆM



Kết quả hình ảnh cho divider gif





CON ĐƯỜNG XƯA EM ĐI

Hoàn cảnh sáng tác “Con Đường Xưa Em Đi” 

            (Châu Kỳ – Hồ Đình Phương)

Một trong những bài nhạc vàng nổi tiếng nhất 


    Ca khúc Con Đường Xưa Em Đi của nhạc sĩ Châu Kỳ và Hồ Đình Phương là một trong những bài nhạc vàng nổi tiếng nhất suốt 60 năm qua. Bài hát đại chúng này phổ biến đến nổi có nhiều biến thể được dân gian chế lời, và như thông lệ, bài hát nào càng được chế lời nhiều nhất là chứng tỏ giai điệu bài hát đó càng nổi tiếng:
     Bài hát này được một thi sĩ nổi tiếng là Hồ Đình Phương viết lời, nên bài hát có ca từ rất đẹp và bay bổng không khác gì bài thơ.
     Con đường xưa em đi trong bài hát cũng là con đường đã in dấu bước chân xưa của đôi tình nhân, đã từng khắc ghi câu chuyện tình thật đẹp và ngọt ngào trong bao lần hẹn hò nhau. Nay vì người trai đã đi xa rồi nên nỗi buồn đã vàng võ lên cả mái tóc thề người con gái, dâng lên ngõ hồn tái tê…
Con đường xưa em đi,
vàng lên mái tóc thề,
ngõ hồn dâng tái tê
Anh làm thơ vu quy,
khách qua đường lắng
nghe chuyện tình ta đã ghi
Những mùa trăng vu quy,
vì mưa gió không về
Chiến trường anh bước đi
Có nàng hoen đôi mi,
ngóng theo đường vắng hoe
Hỏi còn ai cố tri…
     Ở đoạn nhạc tiếp theo, bài hát cho biết lý do của sự xa cách tình nhân, đó là “chιến tɾườпg anh bước đi”, ra đi về miền biên địa đã mấy mùa mưa gió không hẹn ngày về, để lỡ làng cho “những mùa trăng vu quy” cùng người con gái với đôi mi hoen ướt cứ đứng ngóng hoài nơi đường xưa lối cũ.


     Sau năm 1975, khi một số bài nhạc vàng bắt đầu được hát lại ở trong nước từ đầu thập niên 1990, để tránh nhắc tới yếu tố “nhạy cảm”, phần lời bài hát này được đổi lại thành “lối mòn anh bước đi” và “nơi đây thao thức canh dài”, làm cho bài hát không còn không khí vắng xa nhau của đôi tình nhân vào thuở loạn ly ngày cũ.
Em ơi nhìn gió lên khơi,
lòng có trông vời một người xa cuối trời?
Nơi đây phiên gác canh dài,
e ấp đôi lời mình còn nhớ thương hoài.
Em ơi màu áo phong sương,
mình ước huy hoàng
được bàn tay chính nàng
Dâng hoa, dâng hết ân tình
Tình đến bao giờ
Hỏi đường xưa mà nhớ…
Con đường xưa em đi
Thời gian có quên gì
Đá mòn kia vẫn ghi,
ghi một đêm trăng thanh
Quán bên đường vắng tênh
Chỉ còn em với anh.


     Nếu như ở đoạn đầu là tâm sự của người ở lại, thì ở đoạn sau đó là những suy tư của người trai ở nơi đầu tuyến. Lính trận miền xa đôi lúc băn khoăn không biết người ở quê cũ có còn trông vời một người xa cuối trời. Chàng luôn có một niềm mơ ước giản dị, nhưng cũng thật là “huy hoàng”, đó là mong một ngày mai người trai được rũ bỏ áo phong sương trở về, tìm lại con đường xưa và đôi uyên ương được dâng cho nhau hết cả những ân tình.
     Cũng con đường xưa và quán bên đường quen thuộc, cũng vào một đêm trăng thanh như năm cũ, nhưng ở một khoảng thời gian khác, đôi người sẽ lại được dìu nhau đi, nối lại ân tình sau những ngày dài xa cách.



     Về hoàn cảnh sáng tác bài hát này, bà Kha Thị Đàng, là vợ của nhạc sĩ Châu Kỳ cho biết con đường đã làm nên cảm hứng cho nhạc sĩ cùng người bạn thân của mình là nhà thơ Hồ Đình Phương viết thành ca khúc “Con Đường Xưa Em Đi” là con một con đường đất nhỏ nằm sau Nhà máy giấy Cogivina (nay là Tân Mai) thuộc tỉnh Biên Hoà vào thập niên 1960 (nay là tỉnh Đồng Nai).
      Bà Kha Thị Đàng kể lại: “Ngày đó tôi làm kế toán ở nhà máy giấy Tân Mai, anh Hồ Đình Phương cũng đang làm phó giám đốc hành chính ở đây. Phía sau nhà máy có dãy nhà tập thể cho công nhân nghỉ ngơi và nối tới nhà máy là con đường mòn xuyên qua một cánh đồng lúa. Chúng tôi thường qua lại trên con đường đó. Cứ mỗi lần thấy tôi đi qua anh Hồ Đình Phương lại nói vui với tôi câu “Con đường xưa em đi”. Một thời gian sau thì bài hát “Con đường xưa em đi” ra đời. Vì chồng tôi thường có thói quen đàn để sáng tác những giai điệu nhạc hay còn anh Hồ Đình Phương hay tìm lời cho những giai điệu đó. Hai người đã sáng tác chung như thế cả vài chục ca khúc theo cách như thế nên tôi nghĩ bài “Con đường xưa em đi” là bài hát chồng tôi và anh Hồ Đình Phương lấy cảm hứng từ con đường mòn đó”.
Nhà máy giấy Tân Mai trong câu chuyện mà bà Đàng kể được thành lập từ năm 1958 thuộc ấp Tân Mai, xã Bình Trước, tỉnh Biên Hòa (nay là phường Thống Nhất, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), ban đầu mang tên chính thức là Công ty Kỹ nghệ Giấy Việt Nam (COGIVINA). Vào khoảng thời gian những năm 1958 – 1960, hàng loạt các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất giấy và bột giấy rất phát triển ở miền Nam, và nhà máy giấy Tân Mai một trong những doanh nghiệp có nhà máy quy mô lớn, là đơn vị sản xuất giấy in báo duy nhất ở Miền Nam. Bên cạnh giấy in báo, giấy bao gói xi-măng của Cogivina cũng là sản phẩm nội địa duy nhất có chất lượng ngang hàng với sản phẩm của Nhật Bản trong những năm 1970.

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Nhạc sỉ Châu Kỳ







 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét