HOÀI NIỆM



Kết quả hình ảnh cho divider gif





GIỌT LỆ ĐÀI TRANG

 Hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Giọt Lệ Đài Trang”


Ngày xưa ai lá ngọc cành vàng
Ngày xưa ai quyền quý cao sang
Em chính em ngày xưa đó
Ước xây đời lên tột đỉnh nhân gian
     Đó là những lời hát quen thuộc của ca khúc mang tên Giọt Lệ Đài Trang của nhạc sĩ Châu Kỳ sáng tác vào khoảng cuối thập niên 1960. Có thể xem đây là một trong những bài hát nổi tiếng nhất của dòng nhạc phổ thông, đại chúng.
    Nhạc sĩ Châu Kỳ sinh năm 1923, là nhạc sĩ thuộc lớp thế hệ sáng tác từ thời kỳ tiền chiến, với bài hát đầu tay là Trở Về được viết khi ông mới được 18 tuổi.
    Sau này, khi từ Huế vào Sài Gòn sinh sống, ông chuyển sang viết nhạc đại chúng và thành công rực rỡ về mặt tài chính, đó là những ca khúc Túy Ca, Được Tin Em Lấy Chồng, Sao Chưa Thấy Hồi Âm, Khuya Nay Anh Đi Rồi, đặc biệt là Giọt Lệ Đài Trang:
Ngày xưa ai mến nhạc yêu đàn
Ngày xưa ai nghệ sĩ lang thang
Tôi chính tôi ngày xưa đó
Cũng đèo bồng mơ người đẹp lầu quan



   Hoàn cảnh sáng tác của ca khúc này có nhiều giai thoại hoàn toàn khác nhau, tuy nhiên theo chính lời nhạc sĩ Châu Kỳ kể trên Paris by Night 78 năm 2007 thì câu chuyện đó như sau:
     Lúc nhạc sĩ Châu Kỳ còn học phổ thông ở Huế, khoảng năm 1940, ông có biết một tiểu thư rất xinh đẹp con của ông quan Thượng Thư của triều đình, dòng dõi Tôn Thất, tên là Công Tằng Tôn Nữ Kim Anh. Khi đó Châu Kỳ chỉ vừa mới biết đàn mandoline tập tễnh, thậm chí không biết nốt nhạc.
      Một lần khi cô tiểu thư quyền quý đang ngồi đan áo trên ban công ở tư dinh lầu son gác tía, chàng học sinh đứng dưới đất, vừa nhìn lên người đẹp vừa đánh đàn tỏ tình.
Người đẹp nhìn xuống và buông một câu phũ phàng: “Cái đồ xướng ca vô loài”, rồi quay vô nhà.
   Trong bài hát, nhạc sĩ đã biết về hoàn cảnh bẽ bàng đó:
Rồi một hôm tôi gặp nàng
Ðem tiếng hát cung đàn
Với niềm yêu lai láng
Nhưng than ôi quá bẽ bàng
Bao tiếng hát cung đàn
Người chẳng màng còn chê chán..
Nhìn đời thấy lắm phũ phàng
Mượn tiếng hát cung đàn
Quên niềm đau dĩ vãng
Hay đâu giông tố lan tràn
Lên gác tía huy hoàng
Xiêu đổ theo nước mắt nàng…
Sau lần đó, nhạc sĩ Châu Kỳ không gặp lại cô tiểu thư lần nào nữa. Ông theo nghiệp hát rồi trở thành một ca sĩ nổi tiếng của tân nhạc thập niên 1950 cùng với người bạn đời là ca sĩ đồng hương Mộc Lan. Khi vào sinh sống ở Sài Gòn, họ chia tay nhau, rồi Châu Kỳ đi bước nữa với cô nữ sinh Sài Gòn tên Kha Thị Đàng và sống với nhau cho đến lúc qua đời năm 2009.
Về phần cô tiểu thư quyền quý Kim Anh, sau đó cô lấy chồng là sĩ quan người Pháp.
  Tròn 30 năm sau khi cuộc gặp gỡ bẽ bàng đó, nhạc sĩ Châu Kỳ mới gặp lại Kim Anh, khi mà dòng đời đã đổi thay, con tạo xoay vần, bao nhiêu biến cố đã xảy ra: Triều đình phong kiến sụp đổ năm 1945, chế độ quan quyền không còn, nên quan Thượng Thư cũng thành dân thường. Đến 1954 thì quân Pháp thất bại ở Đông Dương và phải rút về nước, chồng của cô Kim Anh cũng đi về với người vợ Pháp ở quê nhà, để lại cô tiểu thư năm xưa ở lại lang thang như một kẻ không nhà ở đất Sài Gòn phồn hoa. Hoàn cảnh đó được kể lại trong bài hát:
Còn đâu, đâu lá ngọc cành vàng
Còn đâu, đâu quyền quý cao sang
Em hỡi em ngày xưa đó
Ðến bây giờ phiêu bạt giữa trần gian…
        Nhạc sĩ Châu Kỳ nói rằng lúc đó ông đang ngồi ở quán nước trên đường Nguyễn Trãi thì thấy trước mặt có một hình bóng quen thuộc đi ngang qua, ông chạy đến thì nhận ra đó đúng là người đẹp năm xưa. Sau khi hỏi thăm, ông biết được hoàn cảnh đáng thương của cô, đang phải ở nhờ nhà một người bạn ở Gia Định.
      Xót thương cho số phận bi thảm của cố nhân, ông lấy hết tiền trong túi ra để cho cô, rồi ngỏ ý chở cô về nhà. Cô tiểu thư quyền quý năm xưa, nay đã trở thành một người đàn bà khắc khổ, cầm tiền trong tay rồi bật khóc:
Gặp tôi vẫn tiếng nhạc cung đàn
Ðời tôi vẫn nghệ sĩ thênh thang
Em, em nhớ xưa rồi em khóc
Tôi thoáng buồn thương giòng lệ đài trang…
Sau lần gặp lại này, nhạc sĩ Châu Kỳ đem niềm xót thương đó để viết thành bài hát Giọt Lệ Đài Trang.
      Câu chuyện được nhạc sĩ Châu Kỳ kể năm 2007 trên Paris by Night. Tuy nhiên chỉ trước đó 1 năm, trong đêm nhạc tổ chức ở trong nước, nhạc sĩ Châu Kỳ lại kể một câu chuyện khác đằng sau ca khúc Giọt Lệ Đài Trang này.
     Ông nói rằng người con gái được nhắc tới trong bài tên là Đoàn Thị Sum ở Nha Trang, mới 16 tuổi nhưng rất mê tiếng hát lẫn tiếng đàn của Châu Kỳ, và mê luôn cả người. Cô Sum là con quan tri huyện, gia đình danh giá nhất nhì Nha Trang thời bấy giờ.
     Khi đoàn hát của Châu Kỳ đến Nha Trang diễn, họ đã gặp nhau, rồi khi đoàn hát dọn đi, cô Sum đã trốn nhà theo đoàn hát nhưng bị gia đình phát hiện, bắt lại và nhốt trong nhà. Quá uất ức, cô đã nghĩ quẫn… Sau này, vợ chồng nhạc sĩ Châu Kỳ đi Nha Trang có ghé thăm mộ của cô Sum. Cảm thương khi nhớ lại cuộc tình xưa, ông đã viết Giọt Lệ Đài Trang.
     Sau này, bà Kha Thị Đàng (vợ nhạc sĩ Châu Kỳ) kể lại rằng ông không chỉ sáng tác cho cô Sum bài Giọt Lệ Đài Trang, mà còn có Túy Ca, Khuya Nay Anh Đi Rồi…
     Tuy nhiên khi xem kỹ lại thì thấy giai thoại về cô Công Tằng Tôn Nữ Kim Anh có vẻ khớp với nội dung bài hát hơn. Ca khúc được ca sĩ Chế Linh thu thanh lần đầu trong dĩa hát Việt Nam và được yêu thích trong suốt nửa thế kỷ qua.
Bài: Đông Kha















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét