Hoàn cảnh sáng tác “Mưa Rừng”, “Lạnh Trọn Đêm Mưa”
và câu chuyện tình buồn của người nghệ sĩ
Khán giả yêu nhạc vàng có lẽ không ai là không biết bài hát “Mưa Rừng” nổi tiếng với giai điệu và lời hát nỉ non tâm sự: Mưa rừng ơi mưa rừng, hạt mưa nhớ ai mưa triền miên…
Tuy nhiên, có lẽ ít người biết rằng khởi đầu của tác phẩm mang tên Mưa Rừng không phải là tân nhạc, mà được ra mắt lần đầu dưới dạng tuồng cải lương hồi năm 1961, góp phần khẳng định tên tuổi của “nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga.
Nội dung của Mưa Rừng là câu chuyện tình cảm, tâm lý, ly kỳ hư cấu nổi tiếng của soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng. Ngoài thành công ở thể loại cải lương, Mưa Rừng còn nổi tiếng khi được chuyển thể thành phim điện ảnh, phim truyền hình, kịch nói và đặc biệt là tân nhạc.
Nguồn gốc của câu chuyện Mưa Rừng: Trong một chuyến đi chơi tắm suối ở Tây Nguyên, một nhóm soạn giả trong đoàn cải lương Thanh Minh – Thanh Nga là Nguyễn Phương, Hà Triều, Hoa Phượng, Kiên Giang Hà Huy Hà phải trọ qua đêm trong một buôn bản người Thượng vì mưa to không về được. Khi họ đang vui chơi thâu đêm tại nhà ông chủ bản thì từng tràng tiếng hú của người rừng trỗi lên giữa cơn mưa bão tạo cảm giác rùng rợn. Hà Triều, Hoa Phượng viết tuồng “Mưa Rừng” nổi tiếng dựa trên bối cảnh đó.
Bài hát nhạc vàng cùng tên “Mưa Rừng” được soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng cùng với chủ đoàn Thanh Minh là bà Bầu Thơ (mẹ của Thanh Nga) nhờ nhạc sĩ Huỳnh Anh viết riêng để cho Thanh Nga hát vào năm 1961, vào thời điểm mà tuồng cải lương này đã gần kề để ngày công diễn.
Năm 1961 cũng là thời điểm nhạc sĩ Huỳnh Anh đang tập cho Thanh Nga hát tân nhạc. Ông đã “đo ni, đóng tấc” cho Thanh Nga khi sáng tác Mưa Rừng. Bản này được viết đặc biệt để chủ ý giảm thiểu những sở đoản của một nghệ sĩ cải lương khi hát tân nhạc, và Huỳnh Anh đã dành nhiều thời giờ để tập hát cho Thanh Nga bài này.
Bài hát nhanh chóng nổi tiếng theo vở tuồng năm 1961 và sau đó được dựng thành phim điện ảnh năm 1962, góp phần khẳng định tên tuổi nhạc sĩ Huỳnh Anh trong làng nhạc Sài Gòn. Nhạc phẩm Mưa Rừng đã được phát đi phát lại nhiều lần trên làn sóng của đài Phát Thanh Sài Gòn, sau đó được nhiều danh ca trình bày lại như Sơn Ca, Thanh Thúy, Phương Dung, Thanh Tuyền, Mộng Tuyền… trở thành một trong những ca khúc yêu thích nhất miền Nam lúc đó.
9 năm sau sự hợp tác thành công của nhạc sĩ Huỳnh Anh và Thanh Nga trong Mưa Rừng, đến năm 1970, Huỳnh Anh lại có cơ hội làm việc chung với nghệ sĩ Thanh Nga, tập cho cô hát tân nhạc. Người ta đồn đoán rằng giữa 2 người đã nảy sinh tình cảm sau một thời gian. Những buổi Thanh Nga không phải hát, người ta thấy hai người sóng đôi đi chơi. Có khi họ từ hậu trường đi vòng ra rạp ngồi xem trước các cặp mắt tò mò của mọi người. Nhạc sĩ Huỳnh Anh viết bài hát Kiếp Cầm Ca tặng riêng cho Thanh Nga trong dịp này. Bài hát nói về tâm sự người ca sĩ khi màn nhung sân khấu khép lại, ánh đèn lặng tắt, cũng là lúc mà bao nhiêu nỗi niềm dâng trào:
Đêm đêm đem lời ca tiếng thơ
Đời ca hát cho người mua vui
Nhưng khi cánh nhung khép im lìm
Ánh đèn lặng tắt, gởi ai nỗi niềm…
Từ bài hát Mưa Rừng, đến Lạnh Trọn Đêm Mưa, rồi trong Kiếp Cầm Ca, nhạc sĩ Huỳnh Anh đã luôn đưa hình ảnh mưa buồn vào bài hát:
Mưa đêm vẫn rơi mãi không ngừng
Có người ca sĩ khóc đời quạnh hiu…
Sự quan tâm mà Huỳnh Anh dành cho Thanh Nga thì ai cũng nhận thấy, nhưng giữa họ chưa bao giờ công khai mối quan hệ tình cảm. Ít lâu sau đó, Thanh Nga lên xe hoa cùng ông Đổng Lân.
Mỗi tình dở dang, mộng không thành, Huỳnh Anh viết tiếp một ca khúc có tên độc nhất 1 chữ là Mưa, như nối tiếp nỗi buồn trong bài Mưa Rừng, đó là Lạnh Trọn Đêm Mưa với những lời nhạc thở than:
Mưa ơi, mưa gieo sầu nhân thế, mưa nhớ ai?
Biết người thương có còn nhớ hay quên
riêng ra vẫn u hoài
đêm đêm tiếp đêm nhớ mong người đã cách xa…
mưa buồn rơi rơi ngoài phố
nghe như tiếng nhạc buồn triền miên
đêm nao chốn đây ta dìu nhau
trao muôn ngàn lời thơ
chờ mong đến kiếp nào?
Nghe lại và đọc lại những câu cuối trong bài Lạnh Trọn Đêm Mưa, mới thấy tấm chân tình “chờ mong đến kiếp nào” của người nhạc sĩ đa cảm.
Bài: Đông KhaBản quyền bài viết của nhacxua.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét